Tản văn “Mùa thay lá của rừng khộp” – Nguyễn Thị Thu Thủy

17/02/23 – 04:02

 

Tác giả Nguyễn Thị Thu Thủy

Tháng Hai, cung lộ 14 nóng rực màu đất đỏ bazan và màu xù xì của cây vặn mình thay lá ở bên ven đường.

          Cây cà chít vừa thay lá, vừa trổ bông chia tay vội vàng với những tán lá đỏ, dùng dằng với những lá màu vàng chanh. Và những chùm hoa chi chít bắt đầu nhú, bắt đầu toả hương dìu dịu bên góc hồ thi vị. Giây phút đó bỗng thương về rừng khộp đang vào mùa đau đớn chuyển trạng thái trong năm của đời cây.

          Mùa nắng gắt, mùa gió khô khốc của Tây Nguyên để những rừng khộp trơ trọi cành trên bầu trời xanh. Những cành khô xám vẽ nghêu ngao trên bầu trời xanh văn vắt tưởng như đối lập nhưng lại là điểm nhấn cho bức hoạ Tây Nguyên. Khi những cánh rừng nguyên sinh dần bị thu hẹp,  rừng khộp tưởng như đâu đó đã vắng bóng thì trong tâm khảm đó vẫn là vẻ đẹp ngàn năm của người Tây Nguyên.

          Những cây cẩm liên đẹp ngỡ ngàng trong nắng. Về mùa khô, nắng càng gắt thì cẩm liên càng nổi bật. Nó là phần không thiếu của mùa khô Tây Nguyên khi lá đủ sắc đỏ, cam, vàng, xanh thì thầm trên những cành cây trắng xám xù xì.

          Chợt nhớ câu thơ của một nhà thơ:

          “Những cây khộp già đăm chiêu trong chiều vắng

          Gió thổi hoài, rát ruột lắm gió ơi”

          Thương rừng khộp Tây Nguyên như người Tây Nguyên dẻo dai, bền bỉ có thể chịu ngập úng vào mùa mưa và chịu lửa rừng vào mùa khô. Tháng 2 Tây Nguyên nắng rát, đất đỏ bỏng rẫy để những rừng khộp đau đớn trút đi tấm áo chắt chiu quang hợp, cho cây bớt nhọc nhằn tìm nguồn sống mùa khô.

          Thương những cánh rừng khộp già cỗi, trơ trọi, chỉ trời xanh, mây trắng mới thấu hiểu cõi lòng chung thủy, sự trung kiên bền bỉ của những tán rừng mang tính đặc trưng của Tây Nguyên đã thi gan cùng cái nắng, cái gió khô quắt ban ngày và se lạnh vào ban đêm.

          Thương đám cỏ tranh, cỏ lau khô cháy chạy dài ven những con đường để nín thở không dám nghĩ gì thêm nếu một mồi lửa vô tình thiêu đốt đám cỏ cạnh những rừng khộp đang trở mình đón mùa tái sinh rất mong manh dễ vỡ.

          Thương những động vật một thời gắn bó với rừng khộp, rồi vì rừng thưa thớt mà đi để lại sự bơ vơ, chỉ còn một vài tiếng chim kêu thảng thốt về đêm hay tiếng tiếc nuối của vài chú tắc kè đơn lẻ.

          Vì vậy, trên cung đường quốc lộ 14 vắng những tà áo dân tộc. Tôi trăn trở khi nhìn vào đôi mắt già làng dân tộc Ê đê to tròn rợp dày mi cong bây giờ phảng phất nét buồn thương cho rừng khộp quặn đau khi bị thu hẹp.

          Người Ê Đê buồn khi rừng khộp xanh lá, là khi mưa thuận gió hoà, lộc non đâm chồi phát triển, Tây Nguyên xanh cho người ta trầm trồ sự màu mỡ đất bazan mà thiên nhiên ban tặng. Nhưng đến khi rừng khộp thay lá, đau đến thắt ruột được mấy ai hiểu nỗi lòng.

          Cây thì muôn đời chung thủy, còn lòng người cứ đục trong, cứ theo mùa, nên nỗi buồn đâu có dừng lại được.

          Một đời người, một rừng cây. Cây cứ sinh trưởng, rồi phát triển, thành rừng. Người sinh ra, trải qua nhiều cung bậc cảm xúc rồi chiêm nghiệm lẽ sống cho riêng mình cần gì nhất trong cuộc đời.

          Như cây rừng khộp khi đẹp nhất là khi đau đớn nhất. Qua quãng thời gian này ấp ủ sự dâng hiến cho đời một màu xanh tương lai .

          Rừng khộp của Tây Nguyên dù thay lá, dù xanh lá vẫn phủ lên mặt đất một hệ sinh thái tươi mới hy vọng dẫu là miên man.

          Mong sao tôi cũng như vầy.

Nguyễn Thị Thu Thủy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: