Thầy tôi – Tản văn Lê Thị Phượng (Đắk Lắk)

02/03/22 – 10:03

                           

Tác giả Lê Thị Phượng

                                                                                     

           Mưa lạt sạt trên mái rồi những ánh nắng chiều chiếu qua hàng hiên gợi một cái gì quen thuộc mà xa xôi, tôi lại nhớ những tháng nắng, ngày mưa ở Huế, nhớ về mái trường xưa, nhớ bóng dáng thầy cô và bạn bè.

           Chìm vào quá khứ xa xăm, lại thấy bóng thầy dưới hàng hiên, nơi cửa lớp hay trên bục giảng và trong lớp là lũ học trò hiền ngoan mà cũng lắm trò.

          Suốt 12 năm trời và cả bốn năm đại học tôi đã được học với bao thầy cô, mỗi người đều để lại những nét riêng của mình nhưng để lại dấu ấn sâu đậm trong tôi là thầy Lộc dạy Hóa, thầy Trị dạy tiếng Anh và thầy Hoan dạy Toán (ở trường Quốc Học).

          Người đầu tiên mà tôi nhớ đến là thầy Lộc dạy Hóa cũng là thầy chủ nhiệm tôi ngày tôi vào lớp 10, thầy dong dỏng cao, dáng thư sinh và hiền, tính thầy nhẹ nhàng và cẩn thận. Đôi khi, tôi nghĩ thầy là một bác sĩ hay nhân viên ở phòng nghiên cứu, thí nghiệm nào đó thì đúng hơn.

          Môn Hóa không dễ nhưng tôi chưa thấy thầy la mắng một bạn nào trong chúng tôi.

           Thầy thỉnh thoảng chở tôi và các bạn đi lao động muộn trên chiếc xe Honda cũ của mình, chiếc xe không biết đã gắn bó với thầy từ thuở nào nhưng cũ lắm rồi, chúng tôi ngồi sau lưng thầy như một đứa con, im lặng dọc đường đi nhưng trong lòng đầy thương quý.

           Giọng giảng bài của thầy bao giờ cũng từ tốn, rõ ràng như muốn truyền từ từ cái kiến thức với những nguyên tử, phân tử, nguyên tố… cùng những công thức phức tạp kia vào trí óc non nớt của chúng tôi.

          Nhớ một lần thầy gọi tôi đọc bài, sau khi giải bài tập trên bảng, tôi nghĩ mình đã hoàn thành nhiệm vụ trả bài, tôi đến bên bàn thầy để nhận vở. Thầy bảo : “P đưa tay ra đây!”. Tôi run quá, không biết mình đã làm gì sai. Thầy bảo “Đưa tay thầy xem!”, tôi đặt hai bàn tay lên bàn, chờ thầy khẻ (tay tôi luôn ẩm ướt, không hiểu sao mùa khô ấy lòng bàn tay tôi khô và tróc da) nhưng không, thầy lấy cây bút đè vào tay và bảo “P thiếu vitamin C, em về uống nước chanh hoặc ăn những quả gì có vị chua”. Tôi thở ra và nghĩ mãi, thầy không chỉ dạy dỗ mà còn chú ý đến từng học trò, đến những biểu hiện nhỏ của học sinh mình trong những ngày thầy chủ nhiệm. (Sau đó để bổ sung Vita min C cho tôi, bạn Thủy và bạn Châu lớp tôi mang từng nón me to cùng muối ớt từ trên lăng về và cả lũ cứ ngồi trước bãi cỏ trường mà ăn cho đến khi chuông reo vào học, giờ cứ nhớ mãi).

           Thầy luôn bảo với chúng tôi: “Khó khăn mấy các em cũng phải cố gắng học, học mới có ánh sáng, mới có tương lai”. Sau này đi xa, tôi cứ nhớ mãi và nhiều khi vô tình lặp lại câu nói của thầy với học trò mình mà không biết.

          Thầy giáo thứ Hai mà tôi nhớ là thầy Minh Trị dạy tiếng Anh (hồi ấy gọi là môn Anh Văn) thầy còn trẻ, chưa vợ con, tính rất cẩn thận, nhớ thầy thường hay mặc đồ màu đen. Ba năm theo thầy với lượng tiếng Anh ở bâc trung học phổ thông đã nhiều lên nhưng không ai cảm thấy quá khó khăn hay căng thẳng, chắc có lẽ là do cách giảng dạy của thầy. Thầy cũng không hề la mắng trò nào và ai cũng thương quý thầy.

Ảnh minh hoạ internet

          Nhớ lần thầy đang giảng bài, đó là năm chúng tôi học lớp 12, sắp thi, thầy dạy cật lực, không hiểu sao mặt thầy tái đi, vả mồ hôi, thầy cố chịu nhưng rồi ngã khuỵu  xuống bục, cái bục giảng đầy phấn trắng, phấn bám đầy vào áo quần thầy. Cả lớp hốt hoảng, tôi cũng đứng lên nhưng cứng đờ.

          Bạn Hồng, bạn nam trong lớp tôi, tuy không là học trò học giỏi của lớp, bạn chạy vụt lên, đỡ lấy thầy nhưng nặng quá bạn hét lên: “Lên đỡ thầy chơ còn răng?”. Lũ con gái như chợt tỉnh, chạy lên đỡ thầy và chúng tôi đưa thầy qua bệnh viện Trung ương (hồi đó học trò cũng không đi xe máy, chỉ đi bộ và xe đạp). Bàn tay lũ học trò thành chiếc băng-ca đưa thầy đi, chúng tôi vừa đi vừa khóc kêu: Thầy ơi, thầy ơi! Rồi cũng chính lũ học trò khờ dại làm thủ tục nhập viện cho thầy!

             Những ngày đi xa, tôi cứ nhớ bài hát thầy tập cho chúng tôi thuở ấy và nhiều khi ngồi đâu đó, tôi lại nhẩm bài hát xưa:

         I’m going to sing, when my teacher say sing (3lần)
 When I’m singing I’m happy as can be
I’m going to work, when my father say work (3lần)
When  I’m working I’m happy as can be

(Tôi sẽ hát khi thầy tôi bảo tôi hát
Khi tôi hát tôi thấy tôi thật vui sướng
Tôi sẽ làm việc khi cha tôi bảo tôi làm việc
Khi tôi làm việc tôi  cảm thấy thật thoải mái)

          Bài hát chỉ đơn giản thế với âm điệu dịu dàng làm tôi nhớ mãi hình ảnh thầy và tôi nhớ đến cha tôi.

          Người thầy thứ ba mà tôi nhớ là thầy giáo dạy Toán của tôi, thầy Hoan, thầy người Nghệ An, tốt nghiệp trường Đại Học Vinh vào dạy, thầy gầy, dong dỏng cao, hiền từ. Mỗi lần vào lớp, thầy đều đứng nghiêm chào học trò rồi đến bàn giáo viên, không bao giờ thầy đi thẳng đến chỗ ngồi hay vẫy tay ra hiệu cho học trò ngồi xuống. Sau này, ảnh hưởng thầy, cứ vào lớp dù vội đến mấy, tôi cũng đứng nghiêm trước lớp, mỉm cười chào học sinh, mọi buồn phiền, bực bội như bỏ ngoài cửa lớp.

          Toán là môn khó, nhiều bạn giải bài không ra, hoặc quá chậm hiểu có lúc thầy cũng mắng, giọng thầy càu nhàu rất buồn cười chứ không cáu gắt, dữ dội, tôi nhiều khi ngữa bàn tay che miệng cười. Hình như thấy mình có gì đó sai sai, thầy cũng ngữa bàn tay che miệng cười, giờ học vì thế trôi qua nhẹ nhàng và không quá căng thẳng.

          Thầy cũng thường nói: “Lo học hành đi, học không phải để làm ông này bà nọ mà học để hiểu biết và đỡ mắc sai lầm” tôi trở thành giáo viên có lẽ cũng từ thầy.

           Còn nhiều thầy cô nữa mà tôi không thể kể hết.

          Năm tháng trôi, tôi đi xa, đi rải chữ vẫn mang theo những bài học từ các thầy cô tôi, tôi có gắng làm tốt mọi việc trong đời cũng từ những bài học mà cha mẹ và thầy cô đã chỉ dạy từ tấm bé cho đến ngày trưởng thành. Tôi đã mắc nợ bao nhiêu con người mà tôi không thể trả được, chỉ nhớ thương và ngậm ngùi trong lòng.

           Tôi cũng nghĩ, tôi sẽ về thăm các thầy cô nhưng vô tình không nghĩ thấu: mình ngày càng lớn, thầy cô cũng già đi và biết đâu có người không trụ được với thời gian hoặc đã chuyển về đâu đó mà tôi không thể đến được, có chăng là niềm nuối tiếc và ân hận mà thôi.

          Viết những dòng chữ này tôi không hết nhớ thương các thầy cô tôi nhưng thấy dịu trong lòng.

Lê Thị Phượng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: