Tản văn “Vè làng tôi” – Hoa Mai

01/07/23 – 03:07

Tác giả Hoa Mai

 

Vè làng tôi

          Sáng thứ bảy, mùa mưa Sài Gòn, buổi sáng không khí chở dư âm cơn mưa chiều qua mướt trên từng cọng lá đầy ánh nắng thân thiện. Từ chối mọi lời gọi tụ tập. Tôi lười nhác nằm nhà. Bản nhạc Làng tôi vô tình bay lên trong lúc lượn facebooks. “Làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ rung…”. Lời ca dịu dàng đánh thức tâm tư tôi rung lên nỗi nhớ quê hương. Bức tranh quê trong ký ức lại mở ra với dòng sông, mái nhà, bóng tre. Bằng một cách nào đó, mỗi khi nỗi nhớ quê hương với bất cứ chiều kích nào hiện ra cũng thật đẹp. Như quê hương đã luôn ở sẵn trong máu tim mình.

          Có lẽ đời người ai cũng cất giấu hình ảnh con sông quê mình, làng quê mình trong ký ức. Nơi đó là cuốn truyện lưu giữ những kỷ niệm từ khi ta chào đời, đến khi ta cất bước ra đi tìm một chân trời mới lạ. Nhưng dòng sông và làng mình sẽ là dấu chấm son neo giữ bước chân ta mãi muốn quay về.

          Làng là một đơn vị hành chính lâu đời của vùng quê Bắc và Trung Bộ. Xưa để mặc định hình ảnh làng là có bến sông, cây đa, mái đình, cánh đồng và những ngôi nhà quần tụ dưới bóng cây. Thời gian lặng lẽ hoàn thành sứ mạng của bãi bể hóa nương dâu. Nhiều làng đã biến mất.

          Như làng tôi, giờ đã không còn là làng. Ngôi làng thơ mộng hiền hòa với bóng tre trùm mát rượi đã biến thành khối phố. Mỗi lần về quê, tôi như lạ như quen. Tình quê còn đó mà tôi thành kẻ lạc lõng. Những hàng tre, bụi chuối, hàng chè tàu, cúc tần giả định ranh giới giữa các ngôi nhà chòm xóm đã thay bằng bờ tường xi măng lạnh lẽo. Những bờ rào tre để ngõ đơn sơ đã thay bằng những cổng sắt gắn số nhà khó nhớ. Xưa nhắm mắt cũng luồn lách tới bất cứ góc nào của nhà nào trong làng. Biết nhà nào có cây gì, con gì thực địa ra sao. Đi trên đường làng có thể ngửi thấy hương làng bay ra từ vòm cây, từ ngọn khói vơ vẩn trên mái bếp. Giờ tường rào che hết. Có lúc thèm một tiếng nghé ọ. Thèm nhớ một mùi khói. Nhớ tiếng gọi mời chè chát buổi ban sơ. Cái tiếng phân bò rơi lúc sáng sớm từ chuồng ràn nhà bên giờ cũng chỉ còn trong dĩ vãng. Bến sông còn đâu để chiều chiều ra sông gánh nước. Con đò còn đâu khi nhà cửa mọc kín triền sông. Chiều đông cũng còn đâu niềm hoang hoải bởi vườn hoa cải bên sông như xưa. Mái đình cũng đã bay màu từ ảnh hưởng cách mạng văn hóa bên xứ tàu. Làng xưa của tôi đâu. Làng xưa chỉ còn trong ký ức mỗi người. Và tôi tin ai cũng giữ lại những thứ đẹp đẽ. Nhiều người đi xa, mỗi khi nhớ về quê hương chỉ nhớ về đói khổ hay những kỷ niệm không vui. Hay tại tôi ngốc, hay tại tôi nhẹ dạ, hay tại tôi đeo kính màu hồng. Tôi cũng không biết nữa. Tôi có khuyết điểm là không giận ai được lâu. Có người làm tôi hận đến nỗi tưởng như thành kẻ thù, phải cạch mặt suốt kiếp. Ấy vậy mà ít bữa là quên béng. Có gì đó nhỏ xiu cũng đủ cho tôi mủi lòng mà quên. Rồi nhìn ai cũng thương. Còn với làng, sao tôi nhớ nhiều đến thế. Bức tranh làng tôi trong ký ức chi tiết như bức vẽ tỉ lệ 1/5000. Những chuyện của làng từ cái thời tôi còn là con bé 3 tuổi vẫn nhớ như in. Những con người mà họ đã mất từ lâu lắm, có khi từ hồi tôi còn con nít ở làng. Tôi vẫn nhớ như định vị. Tỉ như nhà của hai anh em ông Lạc Liên là hai anh em có lẽ nghèo nhất làng. Hồi ấy, cái lều của hai ông nằm ở góc vườn nhà bà Hải Nghĩa và nhà chú Hưng Lý. Trong trí con nít của tôi, hình ảnh hai ông như nhân vật trong truyện cổ tích. Chỉ duy nhất một lần tôi ghé đầu vào lều nhà hai cụ ấy mà giờ vẫn nhớ góc nào là ổ rơm, góc nào treo mấy bộ bà ba nâu, góc nào là ba cục đá ong kê làm bếp. Giờ ai mở cuộc thi tả về từng nhà xưa trong làng. Tôi cá không ai vượt qua tôi được. Chắc lúc nhỏ mắt tôi to quá thấy nhiều thứ. Và cũng chắc tại tôi từ bé đã như người cõi trên hay sao. Làng tôi nhiều người thông minh học giỏi và rất hài hước nữa. Trong làng ngoài những người như mẹ tôi thuộc thơ cổ làu làu, dạy con toàn bằng ca dao tục ngữ. Thì trong làng rất nhiều bà có thể nói thơ thay lời nói, dù các bà mù chữ. Nói thơ đây là các bà nói theo vần ca dao lục bát. Nên dân làng thuở ấy không cần học, ai cũng có thể gieo lục bát bình thường. Điển hình là bà Duơn. Bà có thể nói bằng lục bát cả ngày không lịu một câu nào. Một trong những đặc điểm hài hước của dân làng tôi là đặt vè. Trong làng, ai nổi bật sẽ được điểm danh trong vè làng.

               Vè ra từ khi nào, có bài chả nhớ bắt đầu từ ai và lúc nào. Nhưng dễ thuộc và nhanh chóng lan truyền khắp làng.

               Trong quá trình lưu truyền, người ta thêm bớt nên thành vô danh, thành “tài sản văn hóa” chung của làng. Các nhân vật được điểm danh trong vè làng cũng không lấy đó làm phiền và cũng không thể cấm đoán được. Thế hệ chúng tôi giờ ai còn ai mất. Nhưng tôi tin ai còn sống vẫn nhớ bài vè làng Quang Trung của chúng tôi bắt đầu bằng câu “D.á.i ông Nam, cam cu Tưởng, ngất ngưởng Bá Tùng. Lung tung ông Đạt, hay nạt ông Sâm, âm thầm cháu Lý, lớt mí ả Dởn…”. Tương truyền ông Nam Thuận, nhà phía ngoài xóm đê. Cái cụm ý của ông to lắm. Ông mặc quần buông lá tọa, thời ấy không có quần đùi chứ nói gì quần sip mà bó mà nâng. Nên ông đi là cái đùm ý của ông nó cứ lủng lẳng va đập. Giai thoại hài hước nhất là kể chuyện trưa hè ông Nam Thuận đi tắm. Nóng nên ông ra tắm ở kênh dẫn nước thủy lợi qua nhà, gọi là sông mương. Lần xuống nước đầu. Ổng vừa bước xuống, nước chưa đến đầu gối. Ổng nghe “bủm” một phát, nước văng tung tóe. Ổng ngẩng lên nhìn quanh, trưa nắng chang chang chả có ai. Ông lảu bảu trong miệng rồi tiếp tục bước xuống sông. Lần này ông cẩn thận tuột quần bà ba ra khỏi dây lưng mới bước xuống. Nhưng lần này ông vừa thò hai chân xuống lại bủm cái mạnh hơn, nước văng mạnh hơn. Ông bực lắm, văng tục: “Tổ cha bay, con cái nhà ai mất dạy, lấy đá xán (ném) tau”. Nhưng chửi xong nhìn xung quanh vẫn không có ai. Ông nhìn xuống bụng mình thì phì cười: “Hóa ra là mi!” Là vì D.á.i ông to quá, nặng quá, khi xuống nước đập nước mà tung tóe vậy.

               Cứ một nhân vật trong làng được đưa vào vè làng đều đặc sắc như thế. Có người là đặc điểm tính cách. Ví dụ như “hay nạt ông Sâm. Ông Sâm Lan xưa là một bần cố nông của làng, ổng được cử làm ông coi đền cái đền cổ trong rú Nẩy. Ngôi đền cổ kính tường có gắn rất nhiều mảnh gốm màu của bát đĩa cổ. Vườn đền có nhiều cây lim cao vút và những cây bồ kết sum suê ông Sâm Lan khó tính, hay quát nạt. Trong mắt tụi trẻ con chúng tôi, ngôi đền ấy thiêng và đáng sợ như sự nghiêm khắc hay nạt nộ của ông. Hay câu “lớt mí ả Dởn”. Thời ấy điều kiện vệ sinh chăm sóc y tế còn đơn sơ. Mắt bà Dởn bị lông quặm, lại cứ viêm loét suốt, lúc nào cũng đỏ nhợt, ươn ướt. Chúng tôi gọi là hai “bát cháo tấm” kiểu mắt “sớm chào cờ, trưa mặc niệm, tối hoan hô”. Nghĩa là buổi sớm nắng mới lên, mắt “choẹt” nên nhặm, khó chịu lắm, cứ phải lấy tay che mắt. Buổi trưa nắng gắt, phải cúi gằm mặt, vì ngẩng lên nhức mắt chịu không nổi. Còn chập tối thì nhìn cái gì cũng lem nhem, tưởng như muỗi bay qua mắt, cứ vỗ tay đập những con muỗi, như hoan hô.

               Những bài vè làng không làm người ta giận dỗi, mất đoàn kết. Trái lại như một nét văn hóa làng. Mỗi khi tụ họp lại đọc cho nhau nghe mà cười vui, rồi thêm thắt cho vè làng ngày càng dài ra. Vè làng không bị quên theo năm tháng, mà nó đi theo dân làng, nó giúp bao nhân vật trong làng sống trong hoài ký ức dân làng. Tôi nhớ hồi tôi cấp 1, anh Phong tôi lúc đó học lớp 10. Các anh chị cùng lứa với anh là lực lượng nòng cốt của làng. Ai cũng học giỏi và đầu tàu trong mọi hoạt động của làng. Các anh chị hoạt động phong trào xây dựng quê hương sôi nổi lắm. Tôi nhỏ xiu mà biết hết anh chị nào thích nhau. Cái sự thích nhau hồi ấy nó trong trẻo lắm. Không như cái sự thích của trai gái bây giờ. Đêm nào cũng đi hò đi hát trong sáng. Tôi nhớ bài thơ của anh tôi được truyền miệng về đội thanh niên:

“Phong cười gió cuốn mây bay
Xuân về trăm thứ cỏ cây reo mừng
Xinh nhất là đóa hoa Hường…”.

               Chị Nguyễn Hường là bạn thanh mai trúc mã của anh tôi. Có anh Đức Tổng yêu chị Hà Sen, mà chị không yêu thì được viết “Ngân Hà nước chảy, Đức đành đứng trông”. Mắc cười nhất trong đội có chị Tân con bác hai tôi. Chị hễ thấy tên nào đẹp là ghép vào tên lót mình. Thành thử cái tên chị dài đến hài hước: Võ Thị Bạch Nữ Kim Liên Hằng Tân. Tôi nhớ câu về chị trong bài vè thanh niên làng tôi.

              “Chị Hằng tên gọi là Tân
               Nụ cười toe toét bước chân cù lèo”.

               Giờ nơi đất khách, chị em gặp nhau, kể về làng cũ, chúng tôi hay đọc cho nhau nghe lại những bài về làng để mà nhớ mà thương quê. Người trong vè làng nhiều người giờ đi xa về mây trắng rồi. Nhưng nhân vật trong vè làng sống mãi, neo giữ hồn quê trong mỗi dân làng theo năm tháng.

Hoa Mai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: