Tết này lại nhớ Tết xưa – Tản văn Cỏ Ba Lá (Thừa Thiên Huế)

18/12/21 – 10:12

                                                    

Tác giả Cỏ Ba Lá

 

 Thời gian cứ như dòng chảy mãi đưa tuổi thơ đi về nơi xa lắm. Nhưng mùi vị Tết ngày ấu thơ vẫn như mới hôm nào. Ngoài trời ngọn gió đông vẫn lưng chừng trên bầu trời xám, mưa vẫn rả rích trên từng ngọn lá trong vườn nhà từng tiếng lách tách trên mái nhà vũ điệu của mưa. Ngồi nhìn qua khung cửa ngắm những màn mưa rơi rụng xuống đất rồi mất hút. Tự nhiên thèm một chút ánh nắng vàng rực rỡ chiếu rọi thềm nhà, thèm được ngắm những đàn én dập dìu bay trên bầu trời rộng báo hiệu một mùa xuân ấm áp sắp về. Tết trong tim của mỗi người là cành đào hồng thắm tựa ánh xuân hồng của người miền Bắc. Là ánh nắng lung linh rực rỡ tựa nét môi cười trong từng cánh mai vàng e ấp của người miền Nam. Là sự giao thoa dung hoà cả cành đào thắm miền Bắc và chậu mai vàng khoe sắc của người miền Nam tạo nên nét đẹp rất chung nhưng lại rất riêng của vị Tết miền Trung mỗi khi Xuân về trên muôn nẻo… Tết là sự kết hợp tinh hoa, chắt lọc những tinh túy của đất trời quyện lẫn với tình người tạo nên Tết của đất trời, cỏ cây hoa lá, muôn loài và của lòng người trong cái hồn quê dân tộc Việt. Dù xa phương nhưng trong tim vẫn luôn hoài niệm về một cái Tết sum vầy bên gia đình – cái Tết của “cốt hồn quê” trong câu ca xưa luôn luôn ngự trị bên mình: 

            Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ

            Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh

 Ngày xưa đó, xưa ơi là xưa ! Khi đó tôi cũng không còn nhớ là mình bao nhiêu tuổi. Chỉ biết là những ngày cuối năm, những ngày cận Tết là ba tôi cùng những cô bác trong xóm lại mổ heo chia để chia cùng nhau. Lũ trẻ xúng xính rủ nhau sang nhà này rồi lại nhà kia để khoe những chiếc áo, những đôi dép vừa được mẹ mua cho. Tiếng nói của người lớn hoà lẫn tiếng cười của trẻ con râm rang vang lên khắp nẻo ở một vùng quê nghèo nhưng đậm tình nghĩa xóm giềng. Thịt được chia về là mẹ tôi lại xắn tay làm đủ món để chuẩn bị cho ba ngày Tết: món thịt đông, món chả lụa, rồi món thịt nhồi mướp đắng, món thịt heo ngâm nước mắm, có khi là ngâm nước tương, thịt cuốn bánh tráng rồi bắt chảo chiên lên là món ăn mà tôi thích nhất hồi đó. 

Khi nắng vàng trải dài khắp lối, muôn hoa đua sắc. Tiếng chim líu lo chuyền cành hát khúc ca xuân. Lúc ấy là lúc mẹ chuẩn bị làm dưa hành, củ kiệu. Đó là món ăn dân dã nhưng không thể thiếu, một nếp văn hóa thể hiện qua dấu ấn ẩm thực của người Việt. Có lẽ vì thịt heo là món mà dễ gây ngán nên dưa hành gia vị chua ngọt, ấm nồng ăn cùng với bánh chưng là thứ không thể thiếu. Người Việt dù sinh sống và làm việc ở bất cứ nơi đâu nhưng họ vẫn nhớ về món dưa hành bình dị của dân tộc. Nó như một thứ gia vị của hồn quê, khơi lại không khí Tết quê nhà. Đánh thức vị giác trong hương tình Tết Việt. 

Mẹ bảo tôi, để có được một hủ hành, hủ kiệu thơm ngon nhìn tuy đơn giản mà lại vô cùng khó. Mẹ thường hay nói rằng ngâm hành ngâm kiệu cũng tùy tay từng người mà hành có được màu tím tươi đẹp mắt, muốn củ kiệu có màu trắng ngần, để lâu vẫn giữ được độ giòn rụm khi ăn là phụ thuộc vào các bước trình tự khi làm. Dưa hành thì chừng 10 đến 15 ngày, còn dưa kiệu thì tầm khoảng 25 đến 30 ngày là có thể ăn được. Hủ dưa hành, dưa kiệu mẹ tôi có khi để được cả năm vẫn giữ được độ ngon như thuở mới làm. Tôi hỏi mẹ sao có thể giữ được lâu như thế? Mẹ bảo có bí quyết riêng của mỗi người cả đấy. Ngày nay khi vào các quán hàng ăn, chúng ta luôn bắt gặp những hủ dưa hành để sẵn trên bàn, nhưng tôi vẫn cảm thấy những hủ dưa hành ấy chỉ ngon nhất khi ăn kèm bánh chưng, dưa món trong dịp Tết đến xuân về.  

 

Mùa xuân mang cả yêu thương của lòng người hoà trong đất trời của Tết tinh hoa. Bên cạnh “thịt mỡ, dưa hành” thì “câu đố đỏ” là một nét đẹp, một phong tục đối với người dân Việt trong cái Tết xưa. Cứ hàng năm, mỗi lần thấy ba tôi đem câu đối treo lên khắp tường là tôi lại ngầm nghĩ: À Tết sắp về. Những câu đối với ý nghĩa tinh tế được thảo nét điêu luyện vối bàn tay uyển chuyển của các cụ đồ già xưa. Người cho chữ là người không những có nét bút “phượng múa rồng bay” mà phải là người am hiểu sâu sắc về các vế trong câu đối, sự uyên thâm trong câu chữ. Ông cha ta xưa rất trọng chữ nghĩa, “tôn sư trọng đạo” là một nét đẹp truyền thống rất được nâng niu gìn giữ. Nên câu đối trong ngày Tết để tặng nhau, chúc nhau, hay treo trong nhà tạo niềm may mắn cũng là một trong những bản sắc văn hóa, tinh hoa của linh hồn Tết xưa.

Vẫn biết là giữ gìn bản sắc tinh túy, giữ cái quốc hồn của dân tộc, nhưng bẵng đi một thời gian, hình ảnh ông đồ già ngồi trên chiếu với mực tàu giấy đỏ bên phố không ngày càng thưa thớt dần và rồi vắng bóng bao độ xuân nay. Thay vào đó, thi thoảng ta lại bắt gặp là những ông đồ trẻ có chút hoa tay ngồi viết câu đối cho những ai còn mấy ai ghé vào nhờ viết câu đối nữa. Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, người ta chỉ việc soạn tin nhắn và nhấn gửi tới người cần gửi là xong một cái gọi là chúc nhau. Sự chăm chút, tỉ mỉ, trịnh trọng gửi cho nhau lời chúc hay nhất, đẹp nhất trên giấy cũng dần mai một theo sự bỏ mặc của thời gian… Hình ảnh câu đối đỏ với ông Đồ già cứ thế lu mờ theo năm tháng. Như tuổi thơ ngày nào đã trôi về miền xa vãng.

Ngày ấy chuẩn bị cho Tết nhà, Tết làng, Tết quê, Tết của đất nước… Để giữ gìn bản sắc, đi cùng với “thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ” thì hình ảnh cây nêu trừ tà cũng tập tục của ông cha ta ngày xưa. Tôi còn nhớ, là cứ ngày ông Táo về trời – 23 tháng Chạp là các bô lão, thường là các cụ ông cao tuổi có tiếng nói trong làng như trưởng thôn, trưởng xóm mặc áo dài, khăn đóng trịnh trọng dựng cây nêu cao vút ở mỗi đầu làng với ý niệm xua đuổi tà ma, quỷ dữ không cho chúng vào quấy nhiễu dân mình. Các hộ gia đình thì cũng trồng cây nêu trước ngõ hay trước sân để tránh những điều xấu xảy ta với gia chủ. Cây nêu mà tôi thường thấy là một cây tre có ngọn được treo trên đó những cờ phướng, những chuông gió,… để tạo ra tiếng kêu réo rắt để xua đuổi ma quỷ. Và cứ đến mồng sáu là các ông lớn trong làng, thường là trưởng xóm và dân làng lại làm một mâm cỗ làm lễ hạ nêu.

Ảnh minh hoạ: Interner

Cây niêu ngày Tết với tôi giờ đã đi vào tiềm thức. Không biết nó có từ khi nào và cũng không biết tự bao giờ tôi không nhìn thấy hình ảnh dựng nêu rồi hạ niêu như những mùa Tết cho cũ ấu thơ đó nữa. Ngày nay, ở các nơi khác có còn tập tục ấy không? Hay cũng đã đi vào lãng quên như hình bóng ông Đồ già của mùa Tết cũ. Tìm đâu cây nêu ngăn đuổi lũ quỷ trong cổ tích xưa kỉ niệm. Có người bảo bây giờ chỉ còn ở một số lễ hội hoa xuân hoặc chốn di tích kinh thành Đại Nội – Huế…

Mùa xuân là mùa sưởi ấm lòng người, vạn vật muôn loài sau những ngày tháng ngủ đông rét mướt. Nên mùa xuân là mùa các cặp đôi uyên ương thường chọn mùa Xuân để về chung một nhà. Và pháo là điều không thể không có trong một đám cưới xưa của đôi tân nương. Những pháo to pháo, nhỏ nổ rình rang trong tiếng reo hò nô nức của lũ trẻ quanh xóm. Và đặt biệt hơn, pháo là phong tục của người người, nhà nhà trong thời khắc giao thoa giữa năm cũ và năm mới. Tiếng pháo vang lên đồng loạt khắp nơi khắp chốn. Từ thành thị đến nông thôn, tiếng pháo rền vang, đì đoành phát sáng cả một khung trời. Tiếng pháo khép lại năm cũ và mở ra một năm mới với bao ước muốn tràn trề mong một năm đong đầy sức khỏe, thắng lợi và gặp may trong mọi sự… 

Thời gian như cánh chim lướt vội, cũng như những tại nạn mà pháo mang lại. Nhà nước đã cấm việc đốt pháo. Thay vào đó là pháo hoa được bắn tập trung theo điểm mà nhà nước cho phép hoặc là âm thanh pháo điện, tiếng thu âm của pháo để chào đón xuân mới. Đã qua rồi hình ảnh bịt lỗ tai mỗi khi ba tôi châm ngòi dây pháo, nổ vang cả khung trời, sáng bừng lên chiếu rọi những gương mặt ngây ngô thích thú của lũ trẻ, ánh lên niềm hồ hởi tươi nguyên của người lớn tuổi mong một năm mới vui vẻ, giòn tan như tiếng pháo của thời khắc thiêng liêng. Tất cả giờ đây chỉ còn là hoài niệm, là vùng thương nhớ đầy vơi. Tiếc nuối kỉ niệm của những tràng pháo tuổi thơ nay đã không còn. Nhưng việc bỏ việc đốt pháo là hợp lý và đúng đắn với xu hướng của sự phát triển văn hoá văn minh…!

Tết về! Nếu như thiếu đi hình ảnh bánh chưng bánh tét xanh thì không thể gọi là Tết. Ngày còn nhỏ, tôi còn nhớ mãi, khi nắng vàng bắt đầu phơn phớt xuyên qua những lộc mai vàng là mẹ tôi lại bắt đầu tất bật chuẩn bị bếp, đậu xanh, thịt mỡ, hành, lá chuối, dây lạt, củi và một cái nồi thật lớn. Khi đó tôi biết Tết đã đến mấp mé hiên nhà. Trong tâm trí tôi, hình ảnh của chiếc bánh chưng, bánh tét xanh luôn có một ý nghĩa đặc biệt mỗi độ xuân về. Nhìn sự chuẩn bị của mẹ, đôi tay thoăn thoắt không ngừng nghỉ, nào là cắt thịt, ướp thịt, vo nếp thật sạch, ngâm đậu, đãi đậu xanh, nấu nhân bánh và nhiều công đoạn có tên và không tên khác. Tiếp đến mới là công đoạn gói bánh. Việc gói bánh là của ba mẹ tôi, chúng tôi chỉ lon ton lau lá, xếp lá… 

Thích nhất vẫn là việc nấu bánh, các thành viên trong gia đình cứ xoay tròn canh nồi bánh hơ tay lấy hơi ấm từ ánh lửa đang bập bùng cháy đượm, tôi hí hửng đun những thanh củi vào cái bếp được đặt bởi ba cục đá to. Ngọn lửa cháy bùng lên, tiếng lách tách của than củi, tiếng nước bánh sôi lục sục, thi thoảng rơi xuống lửa than nghe xèo xèo thật là thích thú. Mùi than hồng, mùi khói, mùi nước bánh hoà quyện thành một mùi thoang khoảng không thể nào quên được. Bọn trẻ chúng tôi cứ sáng rực những cặp mắt canh nồi bánh, nước cứ vơi rồi lại được mẹ chêm đầy. Nôn nao, hồi hộp mong bánh chín như chờ đợi một cái Tết nồng ấm ánh nắng mai vàng sau những ngày ngủ đông rét mướt. Càng gần về sáng, tiết trời lành lạnh, ba tôi trải một chiếc chiếu cho chúng tôi nằm cạnh bên bếp lửa. Hơi ấm và mùi bánh phảng phất một mùi thương yêu khó tả đưa chúng chúng tôi vào giấc ngủ say nồng tự bao giờ. Chỉ biết rằng, sáng mở mắt ra đã thấy bánh đã được vớt ra đâu vào đó. Hít một hơi thật sâu, vươn mình trong nắng mai chiếu rọi qua thềm. Mùa xuân đã về…!

          Thời gian trôi, cái Tết đã ít nhiều thay đổi nhưng tục gói bánh, nấu bánh vẫn giữ ở nhiều nhà, đặt biệt là ở các vùng quê. Theo đó, với sự hiện đại hoá ít nhiều mà việc làm bánh cũng đơn giản đôi chút. Bánh chưng bánh tét cũng được bày bán ở các phiên chợ quê, siêu thị. Nên để thuận tiện thì nhiều nhà, đặt biệt là ở các thành phố, chỉ việc ra các điểm bán là có ngay cho mình những chiếc bánh thơm ngon với giá cả phù hợp tùy theo túi tiền, với kích thước bánh lớn bé khác nhau, tha hồ lựa chọn. Dĩ nhiên là không khí quây quần sum vầy gói bánh và thức suốt đêm thâu, nằm cạnh bếp lửa hồng chờ đợi bánh chín lúc sắp sang xuân thì không có được như chính tự tay mình làm và cảm nhận…  

Tết nhiều lúc như một nỗi nhớ vô hình, nhiều lúc lại là những hình ảnh rất đổi thân quen. Là khi cánh én dập dìu bay trên bầu trời rộng, ước hẹn một mùa xuân mới. Là khi những nụ mai bắt đầu bung từng cánh dưới ánh nắng vàng khoe sắc. Là khi chị gió theo về nhảy múa cùng những lộc non trên cành. Là khi được hít hà mùi khói bếp của mẹ , là khi được sưởi ấm bên bếp lửa ấp iu nồng đượm ánh than hồng chiều ba mươi Tết. Tết là khi ta được trở về nhà quây quần bên bữa cơm ấm cúng tình thân gia đình.

Tết giúp mọi người gần nhau hơn, hiểu nhau hơn Tết là lúc con người dễ dung hoà mọi thứ, dễ tha thứ và bao dung hơn bao giờ hết. Về để cùng nhau ôn lại kỉ niệm ngày Tết cũ, sống trọn tình nghĩa với Tết nay và cùng hướng về một cái Tết đong đầy tốt đẹp hơn ở tương lai. 

Vạn vật cỏ cây thay đổi theo mùa, dòng chảy thời gian vẫn cứ trôi, năm tháng qua mau, đời người ngắn ngủi. Mới hôm qua còn thơ bé , chớp mắt một cái tóc đã pha sương. Dù Tết xưa hay Tết nay thì mỗi chúng ta cũng nên trân quý, sống trọn vẹn trong từng phút giây. Hai năm qua dịch Covid hoành hành cả thế giới nhân loại. Bao mất mát cả vật chất lẫn tinh thần và cả mạng sống là không kể xiết. Việt Nam cũng nằm trong guồng quay của đại dịch ấy. Quanh chúng ta, quanh tôi những đau vẫn còn âm ỉ khắp nơi. Nhưng dù muốn hay không thì đất nước vẫn phải bước vào công cuộc bình thường mới sống chung với đại dịch với những biện pháp vacxin, kèm tuân thủ 5k. 

Một năm mới nữa đang về! Đâu đó trên quả địa cầu vẫn có những người con xa xứ mong được trở về với tình thân gia đình, về với đất mẹ đắm mình trong hơi thở xuân nồng. Đâu đó có những mảnh đời nặng gánh mưu sinh, nhưng phận người dâu bể mà không thể về nhà sum vầy trong cái Tết quê. Dẫu có những đau đáu giấu kín, nén lại trong lòng, có những nỗi nhớ, trông ngóng, nước mắt tuôn trào về cái Tết xa quê. Dẫu ai phương Bắc, dẫu người phương Nam, bạn bè miền Trung, bà con Tây Nguyên hoặc miền Tây sông nước. Ai xứ trời Âu, năm châu bốn bể mà chẳng nhớ về mùa xuân ấp iu tình cảm gia đình, nhớ mẹ nhớ ba, nhớ làng quê, xứ sở mỗi khi Tết đến xuân về hát vang trên muôn nẻo. 

Năm tháng qua đi, phong tục Tết ít nhiều còn lưu giữ. Tuy nhiên, mùi vị Tết xưa đã thay đổi ít nhiều trên từng góc phố, vùng quê. Nhưng dẫu Tết xưa hay Tết nay thì cái cốt của hồn quê luôn mãi trong tâm trí của người xa xứ. Trong tiết trời của tháng mười Hai vẫn còn phây phẩy gió đông, ngồi một mình bên khung cửa, bao nhiêu kỉ niệm của một cái Tết ấu thơ ùa về. Nhớ Tết xưa để mà thanh lòng, gạn đục khơi trong lòng mình, lòng người. Dẫu Tết xưa hay Tết nay thì đều trân quý và gìn giữ nó trong những điều có thể. Vì Tết là gì? Tết là khi tất cả mọi thành viên sum họp cùng nhau hàn huyên, khơi gợi biết bao kỉ niệm trong buổi tất niên chiều cuối năm và lại cùng nhau thức dậy đón một mùa xuân mới trong tiếng chào, tiếng chúc ông bà ba mẹ sống khỏe sống vui cùng con cháu. Dù Tết có đổi thay, dù có mai một đi ít nhiều so với cái Tết của ngày xa xưa ấy. Nhưng Tết ở lòng người mới là cái Tết của đủ đầy và đẹp nhất…!!!

Cuối năm rồi! Tết này, bạn có về không? Về để ôn lại Tết xưa trong câu ca dao ông cha ta ngày nào lưu dấu: “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ. Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”. Về để ngả lòng mình trong ánh nắng chiều xuân, về để gom nhặt tuổi ấu thơ vàng óng. Về để nghe lại, hít hà kỉ niệm mùa Tết cũ trong lửa hồng ấm áp xuân nay…!  

CỎ BA LÁ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: