Thạch Sene – V001: Bình chọn Tác giả & Tác phẩm tiêu biểu 2021 – 2023

13/09/23 – 02:09

Thí sinh Thạch Sene – Mã số V001

 

THẠCH SENE
Tên thật: Thạch Thị Sene
Dân tộc: Khmer
Hội viên: Hội Nhà văn TP. Cần Thơ; Hội Văn nghệ dân gian TP. Cần Thơ; Hội VHNT và DTTS TP. Cần Thơ.
Cộng tác với nhiều báo, tạp chí và sách in chung.

 

Vườn tượng gỗ Tây Nguyên

Trong kho tàng văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên ngoài cồng chiêng ra không thể không nhắc đến tạc tượng gỗ dân gian, một loại hình nghệ thuật độc đáo lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số sống ở Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk… Từ xa xưa hình ảnh những pho tượng gỗ với nhiều hình dạng khác nhau rắn rỏi, cứng cáp đứng hiên ngang giữa đất trời chịu đựng nắng mưa, bão táp đã trở thành biểu tượng đẹp, toát lên cốt cách con người và văn hóa Tây Nguyên. Biểu hiện của tín ngưỡng thiêng liêng, phản ánh một trong những nghề thủ công lâu đời độc đáo của các dân tộc vùng cao nguyên nắng gió.

Trước đây tạc tượng gỗ chỉ dùng để trang trí trong các nghi lễ tín ngưỡng của đồng bào Ê đê, Ba na, Xê đăng, Jarai… Dần dần bên cạnh việc xem trọng tượng gỗ là tâm linh, đồng bào dân tộc còn dùng tượng gỗ để trưng bày, trang trí nơi nhà mồ, nhà dài, nhà rông và ở từng không gian khác nhau, người làm tượng gỗ cũng lựa chọn từng loại tượng để phù hợp với chức năng làm đẹp, trang trí hay phục vụ tang lễ, tín ngưỡng tâm linh… để mỗi bức tượng gỗ đều mang ý nghĩa thấm đậm trong lòng của mỗi người… Qua bàn tay khéo léo cùng những dụng cụ đơn giản như búa, rìu, dao, rựa, các nghệ nhân đã thổi hồn vào từng thớ gỗ vô tri giác tạo nên những tác phẩm độc đáo giàu tính biểu cảm. Tại điểm du lịch Măng Đen, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum có một vườn tượng gỗ nằm trong quần thể khu du lịch Pa Sỹ. Vườn được xây dựng năm 2013 trên một triền đồi rộng hơn 01 ha rừng cây nguyên sinh, ngoài lối đi nhỏ lát đá, vườn tượng hầu như không có gì ngoài những vị trí trưng bày 100 bức tượng gỗ do các nghệ nhân là đồng bào dân tộc Tây Nguyên tạo nên. Bước chân vào vườn tượng gỗ ta có cảm giác như lạc vào vườn cổ tích với bao điều hấp dẫn, mới lạ. Sự mộc mạc trong từng nét đục, đẽo trên từng bức tượng như gợi lên những điều cổ xưa về núi rừng, về vòng đời của con người, về sự sinh tồn của vạn vật cũng như nhịp sống, nếp sinh hoạt của người dân nơi đây. Tượng đàn ông cầm rìu, vác rựa, hút thuốc, đi săn; tượng phụ nữ mang thai, địu con, bồng con, giã gạo, dệt vải hay tượng các thành viên trong gia đình đi rẫy, uống rượu cần… Cùng với tượng người, tượng các con vật gần gũi cũng được chế tác trưng bày như gà vịt, chim, chó, mèo…, góp phần làm phong phú thêm vốn quý tượng gỗ của cư dân vùng Tây Nguyên. Kon Tum là nơi hội tụ sinh sống của hơn 20 dân tộc thiểu số: Ba na, Sê đăng, Dé, Brâu, Rơ Nam… Tùy theo phong tục tập quán, mỗi dân tộc có cách làm tượng gỗ khác nhau. Đặc biệt là những bức tượng dùng trong lễ bỏ mả khá đa dạng về hình thù, sắc thái biểu cảm được đặt ở những khu mộ thể hiện tình cảm nhớ thương của người sống đối với người đã khuất. Tượng thường được làm bằng cây gỗ tròn, dài hay ngắn tùy thuộc vào mẫu thực tế. Những nghệ nhân nơi đây chỉ là những người bình thường không qua trường lớp, không được đào tạo bày bản, không có bản thiết kế cụ thể, chỉ với cái rìu, rựa, đục và cảm nhận riêng cùng tình cảm chân thành, họ cũng có thể cho ra đời những bức tượng gỗ thô ráp, mộc mạc nhưng rất có hồn. Dưới tán rừng, những bức tượng gỗ xếp hàng dài như đang vẫy tay chào khách viếng thăm. Mộc mạc, thô sơ nhưng mỗi một bức tượng ẩn chứa trong đó hình thái, linh hồn, nếp sinh hoạt hàng ngày của cư dân nơi đây. Ngắm nhìn những bức tượng, ta có thể cảm nhận được mỗi bức tượng thể hiện nội tâm con người hoang sơ mà sâu lắng như bức tượng khỏa thân, giao hoan, mẹ mang thai, đứa trẻ mới lớn, hình ảnh người về với đất… Tất cả thể hiện chu trình vòng đời của con người. Ngôn ngữ gợi tả trên tượng được khắc họa rõ nét qua qua từng dáng ngồi ôm gối, nét mặt trầm tư, nụ cười, chống cằm, suy tư. Hạnh phúc, đau khổ, buồn, vui đều thể hiện rất rõ nét ở mọi bức tượng qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân.

Càng ngắm, càng thưởng thức, người xem như đang hòa vào chính cuộc sống của những nghệ nhân mà cảm nhận về bản sắc văn hóa đời sống đậm chất truyền thống của những con người quanh năm làm bạn với nắng gió đại ngàn. Mỗi bức tượng gỗ là một tác phẩm nghệ thuật đậm sắc màu dân gian tái hiện lại cuộc sống sinh hoạt và những hoạt động văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên một cách rõ nét. Những pho tượng gỗ điêu khắc mang dáng vẻ mộc mạc, dân dã, thể hiện cuộc sống bình dị của người dân nơi đây. Để có được những bức tượng gỗ “có hồn”, các nghệ nhân tạc tượng theo cảm nhận và sự sáng tạo của riêng mình, không bị ràng buộc bởi khuôn mẫu, cùng một chủ đề nhưng tượng người này khác người kia, làng này khác làng kia. Tượng đơn giản mà sống động, thô mộc mà có hồn, chắc là các nghệ nhân tạc tượng trong tiếng thét của gió,tiếng reo của suối, trong âm thanh của tiếng cồng chiêng rập rình thôn xóm. Tượng đẹp có hồn hay không, không chỉ có ngoại cảnh mà còn do tài năng, trình độ sáng tạo cũng như tình cảm, cảm xúc của mỗi người đặt vào đó. Chính vì vậy mỗi bức tượng gỗ đều rất độc đáo mang phong cách riêng của mỗi người, mỗi vùng, mỗi dân tộc.

Có thể nói, đã bao đời nay, những pho tượng gỗ dân gian Tây Nguyên luôn mang đến cho người xem cảm giác mà trong đó vừa ẩn chứa hồn thiêng vừa toát lên cốt cách con người của núi rừng: Những dân tộc anh em Tây Nguyên có chung niềm đam mê trong đời sống tinh thần là tạc tượng gỗ, yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu đời sống văn hóa lễ hội. Thời gian có làm thay đổi mọi thứ nhưng đồng bào dân tộc Tây Nguyên vẫn gìn giữ nét đẹp tạc tượng dân gian làm phong phú hơn bề dày văn hóa truyền thống.

Đến đây, giữa núi rừng hoang sơ huyền thoại, lắng nghe những bức tượng gỗ kể về cuộc đời mình mới thấm, hiểu, thấy được giá trị của từng bức tượng. Tượng gỗ dân gian sống giữa đại ngàn thiên nhiên mới toát lên được hết phần hồn của nó. Ngắm nhìn những bức tượng gỗ có hồn trong lòng tôi dâng trào cảm xúc. Dưới mái nhà xanh của rừng nguyên sinh, tôi ngắm nghía tỉ mỉ chụp lại những nét tinh túy, độc đáo của từng bức tượng, tôi thầm mong 100 bức tượng trong khu vườn tượng này theo thời gian gió, nắng, mưa bão sẽ không làm chúng gục ngã… Bởi tượng gỗ dân gian là linh hồn của Tây Nguyên.

MỘT SỐ ẢNH TÁC GIẢ CUNG CẤP:

Thạch Sene

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: