Thương nhớ Hà Giang – Cỏ Ba Lá

19/02/22 – 08:02

 

 Hà Giang – Xin được gọi tên miền đất ấy với một cái tên tuyệt đẹp: “Miền Hạnh Phúc”…! Như chính cái tên thật ý nghĩa của con đường hoa máu nơi đây: “Con đường hạnh phúc”

Bảo tàng Con Đường Hạnh Phúc

Tôi đến với miền đất của vùng núi đá cao nguyên này lúc tiết trời đã sang đông. Tôi thật sự ngỡ ngàng với những gì hiện ra trước mắt, đưa tầm mắt của mình ra xa để chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng như chốn thần tiên với bao điều kì thú, khơi gợi sự khám phá với miền đất này… Với một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, với bao cảm xúc thách thức lòng người… Những cung đường uốn lượn khúc khuỷu, những bo cua tay áo, đèo chín khoanh, “ngàn thước lên cao ngàn thướt xuống” là có thật. Những pha đường đèo ú tim, có khi xe phải vặn mình liên tiếp với những khúc cua hiểm trở, một bên vách núi dựng đứng cheo leo, một bên là vực thẳm sâu hoắm…

Dốc Thẩm Mã

Ngồi ở ghế trước, phía bên ghế tài của xe, đã có lúc tôi đứng hình vài nhịp tim khi xe cua qua những đoạn đường vừa dốc, vừa hẹp, ngoằn ngoèo. Phía tay phải tôi là hẻm vực, ngồi trên xe nhưng tay tôi cứ ghì chặt thành ghế, cảm giác như mình đang cheo leo bám trụ vách núi. Ôi!  Có lúc tôi giật bắn người vì những pha tránh đường cho xe ngược chiều đi qua. Ngoài sự cuốn hút về thiên nhiên, tiếp đến tôi tròn mắt, há hốc, ngạc nhiên, khó hiểu pha lẫn chút tò mò, cùng với sự cảm phục của những con người với sức sống mãnh liệt, ý chí can cường khắc phục thiên nhiên ở vùng cao nguyên núi đá cheo leo. Họ đã để lại trong tôi biết bao nhiêu cung bậc cảm xúc, không diễn đạt được bằng lời. Những ngôn từ e là không đủ để nói hết về miền đất đá nhưng vẫn toả hương hoa giữa khung trời tuyết tan. Là hình ảnh của những em bé với manh áo phong phanh, mặt mũi  lem luốt, mũi chảy đến tận cằm, môi run cầm cập, những đôi chân trần trên nền đất đá lạnh như băng; có những em bé thân hình tròn trĩnh vẫn còn ụ sữa không một manh áo với làn da nâu tái, mũi chảy nhễ nhại khô cứng lại giữa cái lạnh 6,7 độ C, ê buốt tận xương. Những hình ảnh đó làm tôi tê cứng lại… Nhưng cho dù vậy, bờ môi của những con người ấy vẫn nở nụ hoa cười tươi tắn, tuyệt đẹp, cuốn hút, thân thiện một cách rạng ngời giữa nền trời tuyết sương giăng…

Các em nhỏ ở Đồng Văn – Mèo Vạc

Tôi thầm hỏi, những con người ấy, những em bé ấy họ đã sống như thế nào ở một nơi trùng trùng điệp điệp núi đồi trong khung cảnh hoang sơ đất đá chênh vênh hiểm trở đó? Tôi không hiểu họ đã làm gì, họ đã sống như thế nào, bằng cách nào mà họ có thể đi qua năm tháng…! Khi mùa đông giá tới, họ sẽ ra sao khi những cơn gió ùa về! Hơi lạnh từ những phiến đá lạnh toát như băng phả vào mặt, xuyên qua những tấm áo mỏng manh. Thương những thân hình nhỏ bé co ro giữa núi rừng giá rét căm căm, đến đá cứng cũng phải co thân mình lại! Tôi chợt nhớ đến ai đó đã từng nói: ” Đúng là một dân tộc lạ lùng…” Lạ lùng chính trong cái mộc mạc, giản đơn, dễ thương đến sự cảm phục, xen lẫn sự xót xa, thương cảm…! Thương những em nhỏ, tuổi mới lên bốn, lên năm một tay dắt em thơ lên ba, sau lưng địu thêm em nhỏ mới chỉ hơn môt tuổi vượt đường đèo bốn, năm cây số trong cái màn sương dày đặc của miền sơn cước… Những hình ảnh đó làm lòng ai cũng khựng lại bởi sức mạnh phi thường, khó tả…

Tác giả và các em nhỏ ở đỉnh Dốc Thẩm Mã

Phải chăng tôi đã nhìn họ với cái nhìn chủ quan nên nghĩ rằng những con người của mảnh đất này họ quá kham khổ, họ sống chật vật và thiếu thốn quá… Nhưng không, qua bao chặn đường, quanh những khúc đường đèo uốn lượn quanh co, có khi chưa kịp ôm cua thì đã đến khúc cua khác và cứ thế với vô số khúc cua hiểm trở có khi nín thở, thóp tim, tôi vẫn bắt gặp những nụ cười hiện hữu rạng rỡ, những cái vẩy tay chào thân thiện của người dân chất phát miền Đông Bắc nơi đây, mặc dù trên lưng vẫn gùi bó củi lớn vượt bao đồi núi xa xa; những ánh mắt hồn nhiên, nụ cười giòn tan của những em bé nơi chốn rừng sâu ngút ngàn này vẫn mãi động trong tâm trí tôi… Họ có cơ cực , khốn khổ như những gì mà tôi nghĩ và đã nhìn thấy…?!

Hai em nhỏ ở Sông Nho Quế. Ảnh: Cỏ Ba Lá

Liệu rằng đem cái gọi là nền văn minh của nơi phố thị đua chen, so sánh với cái bền bỉ đục đá núi trồng lúa, tạo nên những bức tranh ruộng bậc thang tuyệt đẹp mà ngay cả nền văn minh hiện đại cũng không nghĩ đến được nên tôi đã cho rằng họ sống quá khổ cực? Nếu như bảo họ sống quá đơn giản e rằng chưa phải, chỉ là họ sống bình dị và không suy nghĩ toan tính đua chen với cái đủ đầy vật chất như nơi xa hoa nên tâm hồn họ thảnh thơi, nhẹ nhàng, họ rất bình yên trong cái khung trời vốn có của họ… Sự thanh khiết, sự mộc mạc, chất phát của những con người nhỏ bé ở cao nguyên núi đá này được chắt lọc từ thuở sơ khai… Thiết nghĩ rằng hãy để họ hạnh phúc, yên bình trong cái chân chất, nghèo nàn của họ. Như con đường có cả máu và hoa, nối liền miền xuôi với miền ngược đã trải qua bao nhiêu năm tháng chênh vênh treo mình giữa vách núi dựng đứng của các dân tộc anh em, để hôm nay có “Con Đường Hạnh Phúc” cho chúng ta tới gần hơn và biết được nơi vùng Đông Bắc xa xôi tận mây ngàn ấy, có một Hà Giang đẹp mê lòng đến thế! Đẹp từ cảnh vật kì vỹ đến những con người có sức sống “kì lạ”… Liệu rằng đem cái văn minh no đủ khuấy động một vùng trời vốn dĩ yên lành đẹp như thơ, như một miền cổ tích, điều đó có mang lại cho họ sự an bình như những gì vốn có…?! Như thế bản sắc của một vùng đất, một nét đẹp dân tộc mới được gìn  giữ mang tên yêu dấu Hà Giang…!?

Sông Nho Quế. Ảnh: Cỏ Ba Lá

Mâu thuẫn, dằng co với suy nghĩ của chính mình,  nhưng tôi vẫn nhận ra một điều: mỗi con người đều có một cuộc sống và cách sống riêng… Và mỗi con người ở một vùng đất riêng, họ có cách sống và niềm vui hạnh phúc theo cách của họ… Sự tấp nập, náo nhiệt nơi phố thị phồn hoa không thể đem cân, đong, đo, đếm với nơi vốn dĩ rất an bình, dung dị… Chân chất, tinh khiết, trong veo đến mức vẫn còn những đứa trẻ con không biết đến cách ăn kẹo phải như thế nào? Đó là khi chúng tôi dừng lại cho kẹo ở một ngôi nhà bên đường trên quảng đường mà chúng tôi đi qua ở Mèo Vạc, hai cô bé nhỏ đã ăn luôn lớp giấy gói ngoài cùng của cây kẹo que… Nhìn vẻ mặt ngây ngô, trong sáng và dễ thương đến xót xa lòng…!

Khung trời của họ rất đẹp và rất thơ… Có mây ngàn, có núi biếc, có hoa “tam giác mạch hương sắc nghiêng trời”,  có ruộng bậc thang đẹp mê đắm lòng người… Họ không biết tận ngoài xa kia, khi băng hết những ngọn núi đồi sẽ có những nền văn minh hiện đại như thế nào, nên họ cũng không bao giờ nghĩ họ đang nghèo nàn,  kham khổ trong tận cùng của sự thiếu thốn như thế… Sự đủ đầy hay chính sự văn minh ở ngoài kia sẽ khập khiễng khi đem so sánh với những gì mà những con người nơi đây đã trải qua. Chính sự khó khăn, nhọc nhằn nơi đã làm nên lò luyện thép, thử gian nan, thử sức bền bỉ, tôi luyện sự chịu đựng và để rồi tạo ra những con người với ý chí can trường không chịu khuất phục trước mọi điều kiện hoàn cảnh của thiên nhiên khắc nghiệt… Với manh áo mỏng manh, đầu đội trời và với đôi chân trần, những đôi chân kiên định chai lì trên từng phiến đá, những phiến đá dường như cũng xanh xao vì lạnh, nhưng họ vẫn bình thản như không… Chính sự mặc nhiên với hoàn cảnh đã làm xua tan con gió buốt, làn da nâu tái trở nên chai lì với cái rét, chai sạn với cái gió… Đó là sự can đảm trường kì đã trở thành bản năng của những con người có sức chịu đựng phi thường…!

Thiên nhiên khắc nghiệt và điều kiện khốn khó nơi đây cũng bị chính những con người mình trần mắt thịt khắc phục, họ sống vui vẻ hồn nhiên nên cũng không cảm nhận được sự kham khổ mà chính tôi, những anh chị em đi cùng và tất cả những du khách từng đến đây đã áp đặt lên cho họ… Ở trong chính những con người của vùng xa xôi tận nơi cực Bắc của đất nước họ có một sức sống tiềm tàng kiên mãnh, như những con hùng mã được ví nơi Dốc Thẩm Ngựa ở Mã Pí Lèng kì vỹ …

Giờ đây, khi đã trở nơi miền đồng bằng, phố thị, người xe tấp nập, tôi lại ước gì có được một khung trời bình yên với rừng xanh, với núi đá ngàn mây tựa chốn bồng tiên đến thế… Tôi thở phào nhẹ nhõm, thả lòng mình trong một bản nhạc có cái tên thật đẹp và thân thương của tác giả Quách Beem : “Hà Giang Ơi”…

   Hà Giang ơi sao mà nhớ thế

   Khâu Vai về ai nhớ tương tư

   Thương mảnh đất nên thơ chất phác

   Thương quê hương cực Bắc yên bình!

   Mùa tháng Ba lòng ai thổn thức

   Tiếng khèn ơi xa mãi ngút ngàn

    Đường Hạnh Phúc nghĩa tình hoa máu

    Mã Pí Lèng hùng vĩ non sông

    Hà Giang ơi sao mà yêu thế

    Lúa vào mùa say cả thi nhân

    Cô gái Mèo thổi hồn vào đất

    Tam giác mạch hương sắc nghiêng trời

     Hà Giang ơi sao mà nhớ thế

     Khâu Vai về ai nhớ tương tư

     Thương mảnh đất nên thơ chất phác

     Thương quê hương cực Bắc yên bình!

Lòng bỗng miên man, chợt nhớ rồi chợt thương đến những em thơ ở miền Đông Bắc – nơi có tên gọi Hà Giang tuyệt đẹp với dòng sông Nho Quế khoát trên mình màu xanh ngọc bích đặc trưng ở núi đồi kì vỹ bao quanh, mây hồng phiêu  lãng ở trên cao như chốn tiên cảnh… Xót xa lòng nhớ đến hình ảnh rách rưới, mang nặng sự kham khổ của con người nơi đây, nhớ đến tuổi thơ trèo đèo vượt thung lũng của các em nhỏ đến các điểm du lịch để tiếp cận giao kết giữa văn hoá miền ngược và miền xuôi…

Ước mong rằng tuổi thơ của các em nhỏ sẽ mãi  tươi vui, trong sáng, hồn nhiên, bình dị chất phát như thế! Vẫn mãi đẹp trong ngần như thế, sẽ dễ thương, bừng sáng như tôi đã gặp trong buổi đầu đến với miền quê cực đẹp với cánh đồng hoa tam giác mạch trải rộng khắp nơi… Dẫu biết là còn đó những gian khó ngất trời: khó từ trong mỗi bước chân, khó trong cả từng hơi thở, khó ngay trong từng kẻ đá xanh xao… Mong sao cuộc sống của các em sẽ khởi sắc hơn, không còn co ro trong tấm áo mỏng, áo sẽ dày hơn, đủ ấm khi giá rét ùa về bao phủ, đôi chân sẽ không còn tê buốt trên nền đá lạnh… Sẽ ấm áp hơn khi đông về… Và luôn tin là văn hoá bản sắc nơi đây luôn được gìn giữ… Như hoa tam giác mạch vẫn nở rộ khi đến mùa, ruộng bậc thang vẫn đẹp như tranh vẽ giữa khung nền núi đá chênh vênh…! Nhớ thương và lưu luyến mãi con người và thiên nhiên nơi đây… “Nơi nền đất đá nở hoa”… Một miền đất mang niềm nhung nhớ nếu ai đó đã từng đặt chân qua…!

Hà Giang – xứ sở của ngàn thơ…! Nơi yêu thương được chắp cánh…! Nơi của khơi nguồn hạnh phúc…! Một bức tranh chứa đựng bao dòng chảy cảm xúc mà không thể lột tả hết được qua ngòi bút của thi nhân…! Hẹn một ngày trở lại chốn đây! Một ngày Hà Giang vẫn đẹp như tranh vẽ, vẫn bay bổng như chốn thần tiên giữa đời thực chào đón những bước chân du khách về chiêm tụ… Nhưng với hình ảnh của một Hà Giang ấm no hơn trong tình yêu thương lan toả giữa các vùng miền…!

Huế,12 – 2021

Bài và ảnh: Cỏ Ba Lá

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: