15/12/21 – 04:12
Ngày nay, khi xã hội càng phát triển, đời sống càng đi lên thì hương vị Tết cổ truyền cũng dần có những biến chuyển theo với cuộc sống hiện đại. Mọi người, mọi nhà đã không phải quá bận tâm, lo toan về Tết. Tất cả đã có sẵn, được bày bán ở chợ, ở siêu thị, nếu muốn thứ gì chỉ cần nhấc máy điện thoại gọi một tiếng sẽ có ngay. Hình ảnh cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng sôi lục bục, trẻ con mua pháo lẻ ở quầy, ở chợ về đốt chơi, người lớn thì tất bật với các công việc chuẩn bị đón Tết… giờ đây chỉ còn trong hoài niệm của những người đã từng sống trong những cái Tết xưa. Đó là cái Tết dù đơn sơ, thiếu thốn nhưng lại chứa chan nghĩa tình và mang một hương vị rất khác so với bây giờ.
Năm 1984, gia đình tôi mua được một ngôi nhà riêng do dì hàng xóm vào Nam bán lại. Ngôi nhà tranh bé nhỏ nằm trong mảnh vườn xinh xắn, gọn gàng. Lúc đó ba tôi đang học năm cuối Đại học Sư phạm Huế. Việc trường, việc lớp, việc nhà đều do mẹ tôi sắp xếp làm lụng. Trước Tết hơn một tháng, ba mẹ con ra ngoài đồng, cách nhà khoảng năm cây số để lấy đất xanh về quét lại tường nhà cho sạch đẹp.
Mọi năm vào dịp gần Tết, sau giờ soạn bài mẹ ngồi cắt, may quần áo cho hai anh em đến lúc gà gáy sáng. Cũng phải mất cả tuần mới được tấm áo tết cho con. Riêng năm đó, mẹ được chị dâu cho một tấm vải màu xanh rêu. Mẹ nói gia đình mình năm nay đã có ngôi nhà riêng, mẹ muốn tặng hai đứa một cái quần được may máy chứ không phải may tay như mọi năm. Lâu nay áo quần mặc đều do mẹ tự may, nay được đem đi tiệm may máy, anh em tôi mừng lắm. Cả tuần trước khi lấy quần về, anh em tôi hồi hộp, mong ngóng từng ngày, từng giờ. Đến ngày hẹn lấy quần, khi đang nhổ cây chắt chắt trong vườn làm thức ăn cho lợn thì thấy mẹ đạp xe vào đến cổng, anh em chúng tôi chạy ùa ra đón. Quá sung sướng, chúng tôi không kịp ngắm nghía cái quần mà mặc ngay vào người. Nào ngờ khi mặc vào chẳng giống quần âu cũng chẳng giống quần bà ba, cứ rộng xuềnh xoàng. Lúc đó, cả hai anh em không ai bảo ai cứ lăn ra giữa đất mà nằm khóc bởi sự hụt hẫng quá chừng. Nhìn thấy cảnh anh em chúng tôi khóc, mẹ chẳng nói lời nào, chỉ lặng lẽ vào nhà làm việc. Đợi đến tối khi anh em chúng tôi khuây khỏa, mẹ mới bảo đó là quần do dì N may. Dì bị tàn tật, không có công việc, không có thu nhập nên mới mở quán may quần áo. Vì thương dì, lại vừa muốn tiết kiệm do dì may rẻ hơn, nên mẹ đã đem vải cho dì may.
Việc cắt tóc cho anh em tôi cũng chính từ tay mẹ. Đến khi ba nghỉ học về ăn Tết, mẹ cũng cắt tóc cho ba. Hôm đó vì vội việc nên kéo mẹ cắt nhíu vào tai ba suýt chảy máu. Lúc đó ba chỉ kêu á lên một tiếng rồi cũng bằng lòng ngồi yên. Tuy còn nhỏ nhưng tôi thầm thấu hiểu đồng lương ít ỏi của mẹ phải trang trải nuôi ba đi học và nuôi chúng tôi.
Mẹ cũng dành dụm mua được chiếc đài bán dẫn cũ do người quen để lại nhưng đã hết pin. Có chú bạn cho ba mấy cục pin nhãn hiệu Con Thỏ đã cũ nên để dành Tết mới bỏ vào nghe. Mẹ bán hai con gà mua mấy câu đối trang trí và bộ ly để tiếp khách. Tết mỗi gia đình được nhận phần thịt lợn tiêu chuẩn, mẹ vằm xương rang muối để ra giêng ba mang vào trường ăn bồi dưỡng, phần thịt mỡ mẹ ngồi rán lấy mỡ cho vào âu sứ treo lên giàn bếp để ăn dần, phần thịt còn lại mẹ ướp mặn để ăn Tết.
Công việc bộn bề song mẹ không quên làm món dưa kiệu trộn đu đủ và lạc. Mọi việc đều tự tay mẹ làm, tự tay mẹ nấu, chỉ có cặp bánh chưng gói chung với nhà hàng xóm chiều ba mươi lấy để thờ gia tiên. Ngày xưa, các gia đình hay tự gói bánh rồi chung nhau nấu trên một cái nồi to ở ngoài sân sôi lục bục, xung quanh nồi, lũ trẻ con sẽ tận dụng lửa để nướng thêm mấy củ khoai. Mùi thơm thanh thanh đặc trưng của lá dong, gạo nếp, mùi hăng hăng của củi cháy, mùi hương ngọt bùi của những củ khoai nướng, tất cả hòa quyện lại, gợi nhớ những cái Tết cổ truyền vừa thiêng liêng vừa ấm cúng.
Sáng cuối năm sau khi ra đồng thắp nhang cho tổ tiên dòng họ, ba tôi không quên chặt về một cành cây Căng đầy gai. Mẹ đã cắt sẵn giấy pơ luy màu hồng, những bông hoa đào nhỏ nhắn, xinh xinh. Chiều ba mươi, cả nhà cùng chung tay buộc, găm hoa vào cành Căng đặt ngay ngắn giữa nhà. Khi mọi việc trang trí đã xong, ba rửa tay, lau khô, bỏ pin vào mở đài cả nhà cùng ngồi nghe. Em ơi mùa xuân đến rồi đó, bài hát từ chiếc đài bán dẫn vang lên làm cho không khí càng thêm đầm ấm, vui tươi lạ thường. Tiết trời se lạnh, mưa xuân lất phất, khói hương nhè nhẹ bay, tỏa hương thơm quyện làn khói từ những nồi bánh chưng quanh xóm càng làm cho không khí tất niên thiêng liêng. Bữa cơm chiều ba mươi vẫn còn độn bánh Tu huýt hấp cùng. Bánh Tu huýt được làm từ củ sắn mài ra, lọc lấy bột, phần xác còn lại đem ủ khoảng năm đến bảy ngày cho đỡ hăng rồi đem hấp ăn. Ở quê còn có tên gọi khác là “Bánh xoi lỗ đấy”. Vì khi làm bánh phải đặt chiếc đũa trong lòng bàn tay, sau đó bỏ xác sắn vào nắm tay lại quanh đũa rồi rút ra có lỗ hổng bên trong cho bánh dễ chín. Mỗi lần hấp với cơm, để cho anh em chúng tôi ăn đỡ ngán (vì ngày nào cũng ăn) mẹ cho thêm ít muối, mì chín và ít lá ném vào xác sắn.
Nhắc đến Tết xưa, không thể không nhắc đến pháo. Ngoài “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ” thì pháo được xem là một phần “linh hồn” của Tết xưa. Đốt pháo là điều mong chờ nhất đối với mọi người, mọi nhà, mọi lứa tuổi. Theo dân gian, người Việt Nam quan niệm rằng đốt pháo là hoạt động vui nhà, vui cửa và để hòa nhập vào niềm vui chung của mọi người. Trong ba ngày tết nếu nhà người ta đốt pháo ầm ỉ, nhà mình lại im lặng thì thật buồn tẻ, chỉ những gia đình trong năm có người thân mất mới không đốt pháo. Tiếng pháo gây những âm thanh ầm ỉ, nhộn nhịp như tiếng trống thúc giục hòa cùng khoảnh khắc thiêng liêng của đất trời. Màu khói xanh tỏa trong không gian, xác pháo hồng tung tóe dưới đất đã gây nên những cảm xúc mạnh. Ngoài ra, đốt pháo cũng là một cách dự đoán tương lai cho năm mới. Nhà ai đốt pháo không nổ, phải châm lại hai ba lần, hay pháo nổ rời rạc, thì năm đó làm ăn không thuận lợi. Trong ngày tết người ta đốt pháo vào lúc cúng mâm cơm tất niêm chiều 29 hoặc 30 tết, lúc giao thừa và sau đó là trong ba ngày tết.
Pháo có nhiều kích cỡ khác nhau. Pháo nhỏ nhất gọi là pháo tép, được trẻ em đặc biệt ưa chuộng. Pháo tép có thể đốt cả băng, nhưng trẻ con thì thích tháo ra đốt từng viên một hơn. Tiếp đến là pháo tiểu nhỏ hơn ngón tay út và dài hơn một lóng tay, phong pháo treo lên thì dài khoảng 50 cm, đốt trong vài phút. Gấp đôi pháo tiểu thì gọi là pháo trung. Tiếp theo là pháo cối (pháo đại) là loại pháo nổ cỡ lớn, thường được lồng vào các băng pháo đùng. Loại pháo này tạo ra tiếng nổ “long trời lở đất” và khá nguy hiểm, nên chỉ những đứa trẻ “có máu mặt” mới dám nghịch. Ngoài các loại pháo trên còn còn có pháo hoa, pháo chuột, pháo thăng thiêng…
Ngày xưa, đời sống bình dị chỉ vài phong pháo tiểu cũng đủ vui vẻ, dân chúng ít ai đốt pháo trung hay pháo đại. Chỉ có những nhà có con cái đi làm ăn xa, khấm khá khi về tết mới mua những phong pháo đại đốt. Pháo thường làm thành tràng dài kết hai ba băng pháo lại với nhau gọi là tràng pháo. Pháo đại có thể tháo ra đốt từng viên hay nối với pháo tiểu, pháo trung để tạo nên âm thanh tạch tạch, đùng đùng rất nhộn nhịp. Sau những tiếng nổ dòn tan vỏ pháo sẽ xé ra đẹp như cánh hoa Đào, mùi thuốc pháo lan tỏa tràn ngập trong không khí khiến lòng người cũng trở nên vô cùng phấn chấn, vui vẻ. Hình ảnh những cánh hoa Đào, hoa Mai cùng với xác pháo tràn ngập, nhuộm đỏ khắp các nẻo đường là một kỷ niệm rất khó quên với không ít người đã trải qua những cái tết xưa.
Cũng như mọi nhà, đêm giao thừa, khi mọi công tác chuẩn bị đã xong, ba lấy cuộn pháo được gói ghém kỹ từ trên giàn bếp xuống. Pháo phải đặt như thế để khỏi bị ẩm và nổ giòn hơn. Đây là món quà tết của người bạn thân tặng ba. Vì tính hiếu kỳ, tôi đã lấy đi mấy quả pháo đại rủ bạn cùng xóm ra bãi cỏ đốt nên nhà chỉ còn pháo tép. Hai anh em vừa hồi hộp, vừa lo lắng bởi tính ba rất hiền và thương con nhưng sẽ nổi giận nếu con làm sai. Rất may, ba chẳng phát hiện ra điều đó. Ba cha con chạy lui chạy tới để buộc pháo vào cây sào tre chờ giao thừa. Khi tràng pháo nổ giòn tan báo hiệu giao thừa đã đến, ba vào nhà thắp nén hương lên bàn thờ gia tiên khấn vái cầu cho mưa thuận gió hòa, gia đình an vui, hạnh phúc. Cả gia đình quây quần ngồi bên nhau đón thời khắc thiêng liêng nhất của năm mới.
Bây giờ sống xa nhà, cứ mỗi dịp xuân về tôi bỗng muốn sống chậm lại, để hoài niệm về tuổi thơ. Hương Tết quyện trong hương thơm trầm lắng trong ký ức từ bao giờ lại bùng lên mãnh liệt. Lòng bỗng xốn xang thắc thỏm giữa phố phường chật hẹp, tìm đâu được hương Tết xưa?
NGUYỄN CHÍ HIẾU
Pingback: Thư mời cộng tác gửi bài chủ đề "Tri ân Phụ nữ" - ĐAM BOOKS MEDIA