Tình mẫu tử – Truyện ngắn Tôn Nữ Thanh Tịnh

22/07/23 – 08:07

Tác giả Tôn Nữ Thanh Tịnh

 

TÌNH MẪU TỬ

Truyện ngắn
(Giải Ba trong Cuộc thi sáng tác Văn học Nghệ thuật về TP. Đà Nẵng 1998 – 2000)

          Từ ngày anh Quang – người cán bộ ở xã Hòa Minh, huyện Hòa Vang đến nhà Minh nói về chuyện thằng Sinh đến nay, Minh cứ phân vân suy nghĩ mãi. “Cho hay không cho thằng Sinh”.

          Chuyện người nước ngoài xin những đứa con rơi, những đứa trẻ tàn tật ở Việt Nam về làm con nuôi đã trở thành một hiện tượng bình thường và khá phổ biến trong xã hội, nhất là ở địa phương Minh, nhiều gia đình đã cho đi núm ruột của mình một cách hoan hỉ. Vì điều đó giảm được sự khó khăn của gia đình, bớt gánh nặng cho người mẹ và tương lai của đứa nhỏ cũng được sung sướng, vững vàng khi sống trong một gia đình giàu có, được ăn học và được chữa bệnh. Đó là chưa nói đến khoản tiền mà gia đình được nhận…

          Nhưng Minh thì suy nghĩ lung lắm, chị cứ xem đi xem lại hồ sơ của người cán bộ đưa cho, trăn trở mãi không yên. Cho thằng Sinh là bớt gánh nặng cho Minh. Nhưng Sinh – khi sống trong một gia đình xa lạ sẽ ra sao? Xa gia đình, xa Tổ quốc, xa nơi đã từng sống bao tháng ngày, chắc nó sẽ buồn và nhớ biết bao, rồi nó sẽ oán trách Minh, oán trách những người đã bỏ rơi nó…

          Minh có ba đứa con, hai đứa kia thì xinh xắn, ai nhìn cũng thích. Riêng Sinh chịu tật nguyền bẩm sinh, chân trái bị rút gân teo đi, để thằng bé khi chập chững bước những bước đầu tiên đã phải dựa trên đôi nạng gỗ, nỗi đau ngày càng lớn theo tiếng đi lộc cộc như xoáy mòn trong trái tim Minh.

          Minh yêu và chăm sóc Sinh nhiều hơn anh chị nó, mỗi lần đi làm về, việc đầu tiên là Minh đưa mắt tìm kiếm hay lớn tiếng hỏi: “Sinh đâu con?”. Khi thấy thằng bé ở sau nhà khập khiễng trên đôi nạng gỗ đi lên nhìn chị reo vui: “Mẹ về!” Là chị yên lòng. Hai mẹ con luôn khắng khít bên nhau. Chị như ngọn lửa sưởi ấm cho con. Nay cho nó đi rồi liệu chị có thanh thản, nhẹ nhàng được không? Hay nỗi nhớ con quay quắt sẽ làm chị ăn năn, và khi ấy chị biết tìm con nơi đâu? Nỗi nhớ thương con day dứt có vơi đi theo tháng năm hay chị ôm mãi một ân hận đã muộn màng?

          Bao ngày trôi qua rồi, chị vẫn chưa tìm được câu trả lời dứt khoát. Chị cứ lo lắng, phân vân mãi. Chị rất mong con mình được sung sướng ấm nó, thoát khỏi tật nguyền, nhưng điều đó xem ra quá xa vời, ở một tương lai còn mãi đâu đâu, ở một đất nước xa xôi nào, mà hiện tại cho Sinh đi là vĩnh viễn, chưa biết bao giờ mới thấy mặt con.

          Cuộc sống gia đình chị thật là khó khăn, nhất là từ lúc Hòa – chồng chị qua đời. Một vai chị gánh tất cả việc lớn nhỏ, một thân chị làm đủ mọi việc để kiếm cái ăn, cái mặc và học hành cho con cái. Chị không một lời ca thán, oán trách số phận nghiệt ngã của mình. Chị cố gắng đem lại màu xanh tươi cho gia đình và nụ cười trên môi con trẻ. Đã bao nhiêu năm qua rồi chị đã khắc phục, chịu đựng được, tại sao bây giờ lại không? Tại sao bây giờ phải để một đứa con tật nguyền bé nhỏ mới năm tuổi phải sống tha phương nơi đất khách quê người?

          Minh chợt nhớ cách đây không lâu, khi đến nhà người bạn chơi, được bạn cho xem mấy bài báo nói về chuyện bắt cóc trẻ em, buôn bán trẻ em, dẫn dắt trẻ em đến cảnh làm nô lệ hay buôn bán những bộ phận trên cơ thể trẻ em thường xuyên xảy ra ở nước ngoài, mà ở Việt Nam những chuyện như thế cũng đang rộ lên…

          Minh lại nghĩ: “Con người thật kỳ lạ. Con thì đứa nào chẳng là con. Tại sao đứa nguyên vẹn hình hài thì được yêu thương đùm bọc, còn đứa chẳng may khuyết tật, thì nuôi dưỡng nó chẳng quá là một con đường chấp nhận, đến khi có cơ hội thì đẩy đi không thương tiếc. Gia đình chối bỏ, cha mẹ lìa xa, phải sống nương tựa vào từ thiện ở một đất nước xa xôi”. Minh miên man suy nghĩ và xót xa cho những đứa trẻ tật nguyền đã ra đi theo những người ngoại quốc. Ai cũng nghĩ rằng nó sẽ được sung sướng, sao họ không nghĩ đến sự việc xảy ra ngược lại?

          Khi có chương trình của người nước ngoài sang Việt Nam đi các tỉnh để thực hiện “Trả lại nụ cười cho trẻ thơ” Minh như người sống trong mơ. Giá như… Phải, giá như cũng có một chương trình như thế được thay bằng chữa khuyết tật ở chân thì hay biết mấy. Minh như thấy con mình được đứng vững trên đôi chân như anh chị nó, được chạy nhảy vui chơi trong niềm sung sướng hạnh phúc. Chị sẽ không còn nhìn thấy cảnh con mình đứng ngoài lề cuộc chơi, nhìn chúng bạn với đôi mắt thèm muốn khát khao…

          Bây giờ muốn thực hiện điều đó Minh phải xa con, không chỉ đôi ngày, không chỉ vài ba năm, mà gần như vĩnh viễn. Minh biết rằng khi chị đặt bút ký lên giấy cho một người con là chị mất đi quyền làm mẹ, và kể từ giây phút đó, điều hy vọng trông thấy lại con thật là mỏng manh.

          Ôi! Có nỗi đau nào hơn thế?

          Thôi thì… Có thể do tình thương của chị đối với con quá lớn, cũng có thể do sự suy nghĩ của chị nông cạn và mang tính ích kỷ. Chị bỗng mỉm cười nhủ thầm: “Có khi mình nhát gần, sợ con đi không về nữa”.

          Rồi chị thì thầm như nói với Sinh:

          – Sống đâu sung sướng hạnh phúc cho bằng ở trong vòng tay của mẹ, trong sự đùm bọc của hàng xóm và cũng không đâu bằng quê hương xứ sở của mình. Thôi thì… con hãy ở lại với mẹ. Con yêu!

Tôn Nữ Thanh Tịnh

Ảnh minh họa internet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: