20/11/21 – 04:11
Chỉ hai từ “Tình mẹ” ngắn gọn và giản đơn đã thể hiện bao quát toàn bộ nội dung của tập thơ do Nhà xuất bản Lao Động xuất bản tháng 6-2021, thời điểm dịch Covid đang diễn biến phức tạp trong cả nước.
52 tác giả nhiều lứa tuổi đang sinh sống trên mọi miền đất nước và kiều bào xa quê nhà đã cùng góp nên một khúc đồng ca ngọt ngào, thiết tha để cùng chia sẻ niềm hạnh phúc cho những ai còn mẹ…
Tác giả Trần Quang Khanh – Phó CT Hội VNNT, Tổng Biên tập Tạp chí văn nghệ Bình Định vẽ nên chân dung sinh động của một bà mẹ quê nhà, lặn lội thân cò:
“Mẹ tôi tất tả ngược xuôi
Mơ gieo mây trắng về nơi cuối ngàn…”
(Đoản khúc mẹ)
Tác giả Nguyễn Đăng Bình – Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Bảo Đài (Lục Nam, Bắc Giang) có khúc “Ru chiều” cô đọng, với những suy tư về sự long đong của người mẹ trong mịt mù sóng gió cuộc đời:
“Ta về qua bến đục trong
Mẹ ru qua nỗi long đong phận người”
(Ru chiều)
Trong chiến tranh mẹ luôn là biểu tượng tuyệt vời về sự hy sinh cao cả… Những người mẹ đã nuốt nước mắt hiến dâng cho Tổ quốc núm ruột thân yêu… Những người mẹ mãi mãi không còn đón con trở về, khi sông núi nối liền một dải.
Tác giả Hà Kim Quy ở Nam Định đã viết:
“Triệu mẹ anh hùng góp thành Tổ quốc
Dòng máu nào làm mặn chát biển Đông
Yêu thương chảy ngàn con sông đất Việt
Con là phù sa mẹ gửi tới cánh đồng…”
(Mẹ và Tổ Quốc)
Hạnh phúc vô cùng to lớn của những người con có mẹ trên đời cũng đã tràn ngập vào những dòng thơ của cô giáo Trần Thị Nguyệt Ánh ở Đăk Lăk. Trong cuộc sống có những người con muốn thiết tha gọi mẹ, nhưng không còn mẹ để gọi. Với tác giả, cô muốn ôm lấy mẹ như ôm vào lòng cả thế giới lớn rộng:
“Giữa nẻo đời nhiều người khát tiếng “mẹ ơi”
Con hạnh phúc ngời ngời khi có mẹ
Con ôm cả thế gian vào lòng và hét lên như thế
Mẹ là cả bầu trời là trần thế bên con!”
(Mẹ)
Khi mẹ không còn trên cõi đời này, thì có xót xa gọi đến khan hơi hai tiếng mẹ ơi thì:
“Bây giờ con gọi má ơi
Làm sao nghe tiếng trả lời ngày xưa?
Có chăng hương khói nhạt mờ
Bóng người thấp thoáng giấc mơ lạnh lùng…”
(Gọi má bây giờ)
Mồ côi mà, dù bao nhiêu tuổi cũng chịu chung một nỗi đau, một sự mất mát, một số phận cay đắng, lạnh lùng như nhau:
“Bao nhiêu tuổi cũng mồ côi
Bơ vơ, lẻ bóng dòng đời lao xao…”
(Mồ côi)
Trong nỗi nhớ thương dâng trào, hình bóng tà áo bà ba, tiếng võng đưa kẽo kẹt, những lá trầu không và cái bình vôi của mẹ ngày nào cứ nhói vào tâm như từng vết cắt:
“Đâu rồi những lá trầu không
Bình vôi khô nhớ nét hồng môi xưa!”
(Đâu rồi?)
Tám bài thơ ngắn trong chùm lục bát đơn sơ của tác giả PVT từ một miền biên giới Tây Nam nắng gió cứ gợi nhiều day dứt trong tâm tư người đọc về biết bao kỷ niệm của một thời thơ ấu ngọc ngà không còn nữa.
“Nhớ hoài vạt áo bà ba
Má về rủ chút nắng tà đi theo
Bầy con ồn ã tiếng reo
Ấm làm sao mái lá nghèo ngày xưa…”
(Nhớ hoài vạt áo bà ba…)
Có thể nói, hơn 100 bài thơ xoay quanh một chủ đề Mẹ, là những tình cảm từ trái tim khi bày tỏ lòng yêu kính đấng sinh thành cũng như lòng tưởng nhớ, hoài niệm hình bóng mẹ hiền đã mịt mờ trong cõi nhớ. Rất cảm ơn các bạn trẻ thuộc Tủ sách Đam books, Thư viện Nắng Mai đã biên soạn tác phẩm này như món quà không thể thiếu đối người yêu thơ.
![](https://dambooksmedia.vn/wp-content/uploads/2021/11/tac-gia-tinh-me-tap-tho-de-thuong-cua-thang-muoi.jpg)
PHAN KỶ SỬU
Nguồn: Bài được đăng Báo in Báo Tây Ninh ngày 18/10/2021
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Tình mẫu tử thiêng liêng trong ca khúc “Mạ ơi” của nhạc sĩ, TS Trịnh Xuân Đức
The Ultimate Guide to Plinko for High Rollers
Maximizing Your Online Online Casino Bonus Offer: A Comprehensive Overview
Opening the Mysteries of Tarot Readings
Vui Xuân – Thơ Ngọc Ân (Đà Nẵng)
Hương xuân đã về – Thơ Ngọc Ân (Đà Nẵng)
Sơn Hòa trong trái tim tôi – Thơ Mỹ Kiên
Giáng Sinh yêu thương -Thơ Thanh Thu (Đà Nẵng)