06/03/24 – 06:03
MẸ TÔI
(Kính tặng Mẹ nhân ngày 8/3)
Bà lấy chồng năm mười chín tuổi. Năm hai mươi tuổi, bà sinh con trai đầu lòng. Ông bà đều làm công chức nhà nước thời bao cấp. Thế rồi, cứ “sòn sòn” hai năm một, sáu năm sau, bà đã có thêm 3 đứa con ra đời. Thời bao cấp, kinh tế khó khăn, đồng lương ông, bà không đủ trang trải cuộc sống hàng ngày (6 miệng ăn) nên bà xin nghỉ cơ quan, ra ngoài chạy chợ. Bà là một người thông minh, tháo vát, chịu thương, chịu khó, lam lũ, không ngại nắng mưa, oằn mình để “gồng gánh gia đình”. Bà buôn cái nọ, bắt cái kia, miễn sao có tiền để nuôi các con ăn học. Ông Trời không phụ lòng người có công. Sau một thời gian, bà đã vực kinh tế gia đình đi lên, nhà cũng có của ăn, của để dành. Bà có phước, có lộc, nên việc buôn bán của bà luôn được hanh thông, suôn sẻ, tiền vào “ào ào”. Bà kiếm được nhiều tiền. Trong tiềm thức tuổi thơ, tôi còn nhớ không bao giờ quên, có những lần, một mình trên chiếc xe đạp Phượng Hoàng màu rêu của Trung Quốc, bà đi thu gom tiền hàng và chở về một bao tiền, sau đó, bà xổ cả bao tiền ra sàn nhà và kêu chồng, con vào phân loại, đếm tiền phụ cho bà. Nhiều khi đếm tiền đến nửa đêm mới xong (hồi đó chưa có máy đếm tiền như bây giờ). Mọi công việc bên nội, bên ngoại bà đều “mở hầu bao” tham gia đóng góp tích cực nhất. Các em trai, em gái bên chồng đều kính nể và sợ bà, vì mọi việc lớn, việc bé bên chồng, bà đều bung tiền ra lo chu đáo (chả thế, sau này có ông chú làm đến cỡ… Giám Đốc một Cảng Biển phía Nam, ở cơ quan, ổng “hét ra lửa”, ai cũng sợ ổng, thế mà khi ngồi tiếp chuyện bà, bà chân co, chân duỗi, trên bộ Sa lông, mắng chú xơi xơi, mà chú không dám ho he câu nào). Công việc buôn bán của bà cứ “thuận buồm, xuôi gió”, tiền vô đều đều và cũng đều đều hai năm một, có khi ba năm một, bà lại cho ra đời những đứa con trai, con gái. Phải thừa nhận, bà thuộc dạng “mắn đẻ” và có sức khỏe tốt. Cứ đẻ xong, một hoặc hai tuần sau là đã ra bên ngoài “chiến đấu” buôn bán ngay được. (Chứ không kiêng khem kỹ lưỡng như lớp trẻ sau này). Cho đến khi con gái lớn của bà khuyên mẹ đừng đẻ nữa vì có tuổi rồi và còn phải giữ gìn sức khỏe, bà mới thôi đẻ. Tính ra, từ khi lấy chồng, trong vòng 23 năm, bà sinh được 10 người con. Bà ngừng sinh đẻ năm 42 tuổi. Đúng là ông Trời thương bà thật nhiều. Nhà đông con như thế mà bà vẫn đảm đang nuôi con ăn học tới nơi, tới chốn, không có đứa con nào hư hỏng cả. Bà đã cống hiến người con trai cả cho đất nước trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Anh đã anh dũng hy sinh tại chiến trường bên Campuchia. Bà được hưởng chế độ mẹ liệt sĩ tới hết đời. Năm nay bà 92 tuổi vẫn còn minh mẫn sáng suốt lắm. Đi bệnh viện khám tổng quát, nhìn chung “lục phủ, ngũ tạng” vẫn ổn, duy có mỗi cái bệnh đau khớp chân, khiến bà đi lại khó khăn. Từ khi trưởng thành, ra ngoài lăn lộn với cuộc đời cho đến nay, tôi luôn luôn ngưỡng mộ và biết ơn bà. Đối với quốc gia, bà là mẹ liệt sĩ, nhưng trong mắt tôi, bà là người mẹ anh hùng.
Đình Thanh
Sài Gòn, 01/03/2024
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Con hẻm – Tản văn Lưu Giang
Giấc mơ trưa – Thơ Lê Thịnh (Nha Trang)
Biển và em – Thơ Phan Hồng Phong (Nghệ An)
Ta về – Thơ Lưu Giang
Hoài niệm – Thơ Lê Hoàng Phương
Chúc mừng sinh nhật chị gái An Khuyên – Thơ Cô Đỏ Quán
Chiếc xe đồ chơi bằng gỗ – Thơ Lê Thi (Đắk Lắk)
Phượng ơi – Thơ Lưu Giang