Trần Thế Phương – T011: Bình chọn Tác giả & Tác phẩm tiêu biểu 2021 – 2023

19/09/23 – 05:09

Thí sinh Trần Thế Phương – Mã số T011

 

TỪ NƠI XỨ QUẢNG

Tôi chưa một lần ra thăm Làng Sen
Chưa một lần ra thăm Hà Nội
Chưa đến Ba Đình chưa biết Hồ Gươm
Nhưng tôi đã nghe và đã nhớ
Nơi Bác lên đường…
Nơi Bác đọc Tuyên ngôn
Đất Quảng nghèo nuôi tôi lớn khôn
Đọc từng trang sử mà thấy hồn phơi phới
Sau ngày thống nhất nước nhà đổi mới
Quê hương không còn cảnh điêu tàn
Không còn dấu chân trẻ đi hoang
Thời tủi nhục đã trôi vào dĩ vãng
Ngày mất nước năm nao đã đi vào quên lãng
Chỉ còn đây một xã hội thơm lành
Cuộc sống vươn lên như nhựa trong cành
Cứ tràn mãi cho lá thêm sắc thắm
Tôi chưa một lần ra sông Hồng để tắm
Chưa một lần đến Pắc Pó thân yêu
Nhưng tôi nghe sông Hồng luôn réo gọi
Bao chiến công và Pắc Pó mãi sáng ngời

Tôi lớn lên Bác đã đi xa rồi
Nhưng vầng trán thanh cao đôi mắt Người luôn tỏa sáng
Để mỗi ngày trên con đường xứ Quảng
Nhìn chân sáo đến trường giữa nhịp sống bình yên

Tôi mong một ngày về Hà Nội
Đến Ba Đình
Vào Lăng Bác
Ngắm giấc ngủ thần tiên…

 

TẤM LÒNG QUẢNG NGÃI

Sài Gòn đang bệnh nặng đó nghe em!
Cơn đau nhức cả ngày đêm trăn trở,
Vẫn Sài Gòn không một lời than thở,
Như mẹ âm thầm sợ nhói tim con.

Sài Gòn muôn đời nguyên vẹn một lòng son,
Hạnh phúc, buồn vui, cùng nhau chia sẻ
Rộng lượng, cưu mang, tình người lặng lẽ,
Không kêu ca, vì đó – một Sài Gòn.

Sài Gòn cơn bệnh nặng đang bào mòn,
Trên cơ thể vốn gánh gồng các tỉnh.
Bước nhẹ, nói khẽ, Sài Gòn đang bệnh,
Sài Gòn đau, đừng để nỗi đau hơn!

Sài Gòn bao giờ biết giận, biết hờn,
Chỉ biết yêu thương trải lòng mọi nẻo.
Nơi nào thiếu ăn, phương nào lạnh lẽo
Có Sài Gòn, vì đó – Sài Gòn thôi.

Mảnh đất Thiên Ấn, Trà Giang xa xôi,
Sài Gòn bao năm giống nhà Quảng Ngãi.
Những đứa con “năm eo” từng bươn chải
Sài Gòn như là quê mẹ sinh ra.

Đâu phải vàng bạc, gấm vóc, lụa là,
Món quà đơn sơ – tấm lòng xứ Quảng
Câu chuyện ngày xưa se duyên biền ngẫu,
Một Sài Gòn – trong tim Quảng thân yêu!

04/7/2021

 

KHUNG TRỜI KỶ NIỆM

Gió bâng khuâng đưa ta về kỷ niệm
Để sáng nay đi nhặt lá sân trường
Viết bài thơ đong đầy niềm thương nhớ
Của một thời áo trắng chạy trong tim

Dọc hành lang ta lạc bước lối tìm
Bàn ghế, tường vôi rêu phong ngày tháng cũ
Tán lá, vòm cây bầy chim về trú ngụ
Ngắm mưa bay mà thấm chuyện thăng trầm

Bóng thời gian – một dấu hỏi lặng câm!
Bạn hữu, thầy cô – đường đời muôn nẻo
Chớm heo may, gió thu về lạnh lẽo
Rộn sân trường tiếng hát em thơ

Cuộc đời thường có lắm chuyện không ngờ
Lửa tình thương vẫn rực lòng tuổi trẻ
Cảm tạ đất trời cho ta về với mẹ
Chăm sóc vườn hoa, ươm hạt giống trồng người.

 

TIẾNG VE THÁNG NĂM

Tiếng ve đầu mùa rụng xuống sân trường
Trang lưu bút lại thêm hồng cánh phượng
Giờ học cuối đôi mắt nào ngường ngượng
Thả mơ màng vương vào tóc ai bay

Gốc bàng già ray rứt với bàn tay
Giữa giờ chơi cứ vịn thầm khẽ gọi
Những dòng thơ chở dùm lời tim nói
Tuổi học trò tà áo trắng thương thương

Nếu mai này chân lạc vạn nẻo đường
Màu mực tím có nhạt nhòa bàn học
Nếu mai này có người về bật khóc
Phút chia xa ngón tay ngọc chưa cầm

Tán lá vòm cây cất giúp lặng thầm
Để nhung nhớ ùa vào trong giấc mộng
Để lưu bút lần cuối hồng cánh phượng
Cứ hạ về tìm buốt tiếng ve ngân.

 

THÁNG NGÀY XƯA

Biết bao giờ tìm lại tháng ngày xưa,
Tuổi hồn nhiên trên dòng sông quê mẹ
Biết bao giờ quên nỗi buồn lặng lẽ
Sương lạnh chiều đông, mái rạ ủ nồng!

Em có còn hoài vọng một thời qua,
Trò chơi trốn tìm, nhảy cò, đánh đáo
Tiếng xay gạo, lửa hồng ngày mưa bão
Chiếc chiếu manh không ấm vóc cha gầy.

Em có còn nhớ bím tóc thơ ngây,
Làm cô dâu của trò chơi chồng vợ
Ký ức chảy theo dòng trôi duyên nợ
Hoa lục bình cứ tím bến sông quê.

09/11/2018

Trần Thế Phương

 

  1. Trần Thế Phương
  2. Sinh ngày 10/6/1960
  3. Quê quán: Đức Lợi, Mộ Đức, Quảng Ngãi
  4. Giới tính: Nam
  5. Nghề nghiệp: Giáo viên về hưu
    Cam kết: Tác phẩm tham gia bình chọn thuộc quyền sở hữu của tôi. Tôi chịu trách nhiệm trước Pháp luật và quy định của Ban Tổ chức cuộc thi nếu có tranh chấp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: