29/07/23 – 10:07
VỀ NHÀ ĐỂ NGỦ THẬT NGON
Có những khi tôi chạy xe máy sáu mươi cây số về nhà chỉ để ngủ một giấc trưa, nói cười với cha mẹ dăm ba câu chuyện rồi lại vội vã đi ngay trong ngày. Động lực để tôi vượt qua một quãng đường dài chỉ đơn giản là tìm bình yên sau những suy nghĩ, mệt mỏi, bất an. Và nơi dễ kiếm bình yên nhất chính là nhà.
Nhà tôi nằm ngoài cánh đồng, nhìn phía nào cũng chỉ thấy ruộng nối ruộng xa tít tắp, quanh năm hun hút gió mùa. Căn nhà gỗ theo thời gian trở nên già nua cũ kĩ, vách ván cong queo, mối mọt, mái ngói hở, nắng xiên ngang từng chỗ lấp lóa trên nền xi măng. Hiên nhà vắt vẻo vài ba bộ quần áo lao động nhàu nhĩ, bạc màu, bám đầy vết bùn đất giặt hoài không sạch. Mảnh sân có mấy con gà chạy hết chỗ này tới chỗ kia kiếm mồi, góc giếng nhỏ đầy rêu. Đầu hồi nhà có cây mận chị tôi trồng ngày chị mười tám tuổi. Chị bảo: Khi nào cây mận trổ mùa hoa đầu tiên chị sẽ lấy chồng. Vậy mà mải lo cho đàn em và cha mẹ, đến khi cây mận trổ hơn chục mùa hoa chị mới kết hôn… Chỉ bấy nhiêu thôi mà lần nào đi xa trở về mắt tôi cũng rưng rưng giọt thương giọt nhớ. Xóm nhỏ, nơi có ngôi nhà thân thương của tôi, người ta thường gọi là xóm đảo, đảo cô đơn. Nhưng tôi chưa từng thấy cô đơn khi trở về.
Những lần được ở nhà lâu hơn một ngày, đêm đến tôi thường nằm cạnh mẹ, nghe tắc kè đều đặn tặc lưỡi kể chuyện đời mình bằng những tiếng kêu lặn vào bóng tối. Những đêm như thế dù ngoài trời gió giật từng cơn, mưa trút xuống ào ào không dứt nhưng tôi không thấy lạnh dù mẹ gầy, chăn không dày, vách ván chẳng kín bưng. Tôi ôm mẹ ngủ ngon như ngày còn nhỏ.
Tôi đã từng bị trâu húc suýt mất mạng, đau chết đi sống lại từng cơn. Khi ấy, tôi nhớ nửa tháng trời nằm bệnh viện tôi đã sợ hãi và đau đớn biết bao nhiêu. Ngày cha đưa tôi về lại nhà, tôi ngủ những giấc ngon hơn và bớt giật mình dù vết thương vẫn chưa lành hẳn, đôi lần còn mưng mủ, nhức tới tận óc.
Tôi đã đi qua thời tuổi trẻ với nhiều khờ dại, nông nổi, có lúc tưởng chừng như không thể vượt qua, nửa đêm lê mình đến góc phòng ngồi khóc như điên như dại, cắn môi đến bật máu vì sợ người khác nghe thấy,… Tôi bước vào hôn nhân, gặp những đợt sóng chỉ chực nhấn chìm tôi trong tuyệt vọng. Tôi nhớ mỗi lần như vậy, bản thân đều vô thức mà nghĩ đến nhà, muốn được trở về nhà. Tôi nhất định về dù có phải chạy xe bao nhiêu cây số, chịu cảnh mưa quất tới tấp vào mặt, hai hàm răng đánh vào nhau liên tục hay nắng đổ rát hai vai, làm lóa đôi mắt, mặt đường bốc hơi nóng hầm hập, phả vào người đôi lúc muốn ngộp thở. Mọi thứ trở nên nhẹ nhàng hơn khi tôi được thu vào tầm mắt mình cả cánh đồng lúa vàng rực như ươm tơ. Đâu đó có một vài thửa ruộng đã gặt, thấp thoáng những khuôn mặt người dầu dãi, ánh mắt lấp lánh niềm vui. Tôi cứ đứng mãi giữa cánh đồng, hít hà mùi lúa chín, thứ mùi hương dìu dịu, ấm áp của tuổi thơ chân đất đầu trần một đi không trở lại. Bước chân của tôi đi tới đâu, dù khẽ khàng cỡ nào, là từng đàn bướm vàng xanh rập rờn bay lên tới đó. Những bông hoa xuyến chi mỏng manh cánh trắng nhị vàng lay lay trong nắng, mọc đầy hai bên con đường đồng rải đầy đá nhỏ, loại đá ong dễ kiếm nơi đất đai cằn cỗi này.
Con ngõ nhỏ nhà tôi hiện ra trước mắt, mọc đầy cỏ gà, loài cỏ có sức sống bền bỉ, dẻo dai, luôn tìm cách mọc lên ở mọi nơi, làm bạn với con người. Cánh cửa gỗ không khóa như bao nhiêu năm nó vẫn vậy. Bước vào nhà, cất đặt đồ đạc xong xuôi, tôi ngả lưng xuống giường và ngủ một giấc say sưa. Tỉnh dậy đã thấy mẹ nấu ăn xong. Bữa cơm dọn ra chỉ có tô canh tập tàng và mấy lát cá kho. Mẹ nói nhỏ: Mẹ đi làm về muộn lại không biết mày về. Ăn tạm đi con. Tôi cười với mẹ rồi ăn ngon lành, chắc vì quá mệt và đói hoặc vì nó thật nóng sốt, ngon lành, gợi nhắc trong tôi ký ức êm đềm. Mọi ký ức của tôi trong căn nhà đơn sơ này đều trở nên quý giá bởi trong đó có hình bóng của cha của mẹ của chị của em, có nụ cười, niềm vui và không thiếu nỗi buồn, nước mắt và nhiều nhất là nỗi nhọc nhằn. Nhưng không hiểu sao tôi không muốn đánh mất. Nhọc nhằn của quá khứ thành vật báu của hiện tại. Mồ hôi mặn mòi rơi trong cuộc mưu sinh, bươn chải dài đằng đẵng của cả nhà thành nỗi ngậm ngùi chung. Theo thời gian, tiếng thở dài của mẹ trở nên nhẹ nhõm tựa mây bay.
Dù đã trở thành ai, có bao nhiêu tuổi đời, trở về nhà tôi vẫn thấy mình thành cô con gái nhỏ, tối tối giành điều khiển tivi với cha để rồi hậm hực vì không giành được, ước mãi điều ước ngày trước: Giá nhà mình có hai cái tivi để thích coi gì thì coi cho thỏa thích. Mẹ nhìn hai cha con, không nói gì chỉ lắc đầu cười hiền. Tôi biết chắc sau đó tôi sẽ ngủ nướng cho tới khi nắng lách qua khe gỗ mà chiếu vào tận giường, nằm cuộn tròn trong chăn như con mèo lười mà không sợ trễ giờ làm hay sợ người khác đánh giá mình thế này thế nọ.
Tôi ngày xưa không hiểu vì sao về nhà tôi có thể ngủ ngon đến thế, giấc ngủ thẳng băng không mộng mị, giật mình. Nhưng giờ thì tôi đã có câu trả lời rồi. Bởi vì chỉ cần bước qua cánh cửa nhà, tôi sẽ bỏ lại sau lưng mình những lo toan, tính toán thường ngày, những dằn vặt, nghĩ suy, những bộn bề bận rộn. Bởi nơi ấy có cha có mẹ luôn bao dung, che chở tôi vô điều kiện. Tôi chỉ có thể ngủ ngon khi lòng tôi có chỗ cho bình yên nương náu và tồn tại.
Tôi đã, đang và sẽ luôn về nhà để tìm giây phút bình yên, để đặt lưng xuống giường và ngủ một giấc thật ngon lành, trọn vẹn.
Nguyễn Thị Hiên
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Con hẻm – Tản văn Lưu Giang
Giấc mơ trưa – Thơ Lê Thịnh (Nha Trang)
Biển và em – Thơ Phan Hồng Phong (Nghệ An)
Ta về – Thơ Lưu Giang
Hoài niệm – Thơ Lê Hoàng Phương
Chúc mừng sinh nhật chị gái An Khuyên – Thơ Cô Đỏ Quán
Chiếc xe đồ chơi bằng gỗ – Thơ Lê Thi (Đắk Lắk)
Phượng ơi – Thơ Lưu Giang