Xuân còn ở lại – Bùi Duy Phong (Bình Định)

15/02/22 – 02:02

 

Nhà văn, nhà giáo Bùi Duy Phong

Dòng người trở về quê ăn tết mỗi ngày một một đông. Những chuyến xe hối hả băng băng trên những tuyến đường huyết mạch làm tăng thêm sự nhộn nhịp gấp gáp. Ngược hẳn với không khí lễ hội rộn ràng, Lành đủng đỉnh đạp xe ngó dòng người qua lại trên con đường về nhà trong bữa học sau cùng vì nó chẳng có gì phải vội. Với nó bây giờ tà tà ngoài đường vui cùng niềm vui của thiên hạ có thể giúp mình vơi đi nỗi đau buồn chồng chất trong lòng. Giờ này như mọi năm mấy chị em nó cũng có tâm trạng háo hức đoàn viên khi trông chờ ba nó đi làm xa tận Sài Gòn mang chút hương xuân về ngôi nhà nhỏ. Căn nhà giờ vắng hoe chỉ còn bà nội nó chống gậy nhặt những chiếc lá khô rớt rơi trên cái hàng rào bùm sụm trước sân. Gió đẩy mùi hương trầm trên chiếc bàn thờ leo lét ánh đèn nghe đến tận ngoài ngõ. Bà cụ dừng tay gọi vọng vào trong tiếng ho đứt quãng:

– Con Út coi nhang tắt đốt thêm vài cây lên bàn thờ ba má bay nghen.

Đang quét dọn dưới bếp, con Út chạy lên vặn to ngọn lửa của cái đèn dầu hỏa trên bàn thờ để thắp thêm nén nhang. Ánh sáng của ngọn đèn soi rõ khuôn mặt từ di ảnh của ba má nó. Má nhìn nó miệng hơi mỉm cười bằng ánh mắt triều mến. Con Út cố nhìn thật lâu như muốn xóa đi hình ảnh quằn quại của má khi mà mọi sự đau đớn của căn bệnh ung thư gan quái ác như dồn hết lên gương mặt lúc má nó sắp ra đi. Nén nhang cháy lập lòe trên tay khi bóng má cứ nhòe dần, nhòe dần trong mắt nó. Chợt như nghe tiếng nói của ba từ đâu vọng lại “chăm bà nội nghen con” khi nhìn sang di ảnh của ba, Út nhớ câu dặn dò quen thuộc của ba mỗi khi rời nhà đi làm ăn xa như còn văng vẳng quanh đây. Nó cắm vội nén nhang, vặn nhỏ ngọn đèn rồi chạy ra ngoài sân xem chừng bà nội. Bà cụ một tay cầm cây gậy chống xuống đất đỡ lấy cái lưng còng, một tay gác ra sau, mắt ngó ra ngoài ngõ.

– Sắp tối rồi mà sao hai con chị bay nó chưa về?

            Lành ghé qua chỗ chị Hai đang trải tấm ni lông trên vỉa hè bán mấy quả đu đủ, dừa xiêm cho người ta đơm trên bàn thờ vào dịp tết.

            – Hôm nay có bán được nhiều không chị Hai?

            Lành dắt chiếc xe đạp nép lên vỉa hè rồi ngồi xuống cùng chị. Những vệt nắng xuân cuối ngày làm đám hoa vạn thọ của ông Năm đang đứng bán gần đó thêm rực nhưng làm cho những quả đu đủ như nhanh chín hơn. Mới hôm qua hai chị em hái xuống còn xanh mà giờ đã vàng ươm hơn nửa. Chị Hai vừa xếp mấy quả héo hơn ra sau vừa dặn nó:

            – Em đứng đây bán để chị chạy ra quầy thuốc tây mua mấy liều cho nội nhé!

            Lành kéo cái mũ xuống thấp hơn để tránh ánh nắng rọi thẳng vào mặt. Dòng người lúc chiều muộn mỗi lúc một đông hơn. Tiếng còi xe, tiếng trò chuyện ngã giá khi xem hoa làm huyên náo một đoạn đường quê vốn quanh năm yên ắng, thanh bình. Mớ hoa vạn thọ của ông Năm khi sáng còn nhiều mà giờ đã vơi đi ít nhiều rồi. Ông Năm đèo thêm cái nghề trồng hoa đã mấy năm nay để kiếm thêm chút tiền trang trải tết. Có những năm bán ế, tận tối ba mươi mấy cha con ông mới cuốn lều bạt về nhà khi hàng xóm đã sắp cúng giao thừa. Cơn gió chiều thổi qua cánh đồng trống làm những ruộng lúa nghiêng ngã, lao xao như những con sóng mang chút hơi nước phà vào làn da mát lạnh. Thời tiết những ngày giáp tết cũng ỡm ờ như đứa con gái mới lớn đang yêu. Nắng mới soi rát làn da mà khi trời sụp xuống đã lành lạnh sởn gai ốc rồi. Có mấy cô mặc áo dài tranh thủ ghi lại những tấm hình đẹp của chợ tết đứng làm duyên bên đám hoa vạn thọ của ông Năm miệng xít xoa, tay quàng vội tấm áo len đứng chịu trận những cơn gió lùa qua để chụp hình. Ông Năm rút điếu thuốc châm lửa cho ấm. Ông rít vài hơi rồi quay sang trò chuyện với Lành lúc vắng khách:

            – Cứ cái đà này năm nay ông về ăn tết sớm đó con.

            Lành nở nụ cười xã giao khi thấy vẻ mặt hớn hở của ông Năm mừng đám hoa vạn thọ ngày một vơi dần. Ông ngó mấy quả đu đủ với dừa trên tấm ni lông của chị em Lành rồi cười nói:

            – Năm sau nói con Hai chịu khó vô trong hóc gần bìa núi hái thêm mớ sung nữa cho dễ bán. Dừa đủ người ta hổng ưng mà còn muốn sung nữa.

            Chị Hai đã ra vừa dựng chiếc xe sát bên lề vừa trả lời ông Năm:

            – Mấy bà cháu con chỉ mong dừa đủ mà hổng có thêm chi sung ông Năm.

            Đang vui, ông Năm bỗng chùn nét mặt khi nghe câu trả lời của chị Hai. Ông hướng ánh nhìn về phía xa xa, rít một hơi dài làm điếu thuốc cháy đỏ lựng dư một khúc tàn chưa kịp rớt. Ông thở hắt ra phà làn khói cuồn cuộn bay bảng lảng vào trời chiều.

            – Phải chi ba bay còn sống thì chị em bay đâu đến nỗi.

            Câu nói của ông Năm chạm đến nỗi buồn đeo dai dẳng vào Lành dù nó cố hòa vào cảm xúc của những người quần là áo lượt đang ùn ùn mua sắm, du xuân dưới lòng đường kia. Lành đứng ngây người, mắt nhìn dòng xe kìn kìn nối đuôi nhau kéo còi inh ả nhưng hồn nó đang gởi về tận đẩu tận đâu, một nơi xa tít tắp – nơi ấy có ngôi nhà xưa, có mẹ, có ba, có tiếng cười giòn tan của ba chị em mỗi dịp xuân về.

***

            Hôm nay đã là ngày cuối cùng của năm rồi. Lành bật dậy nhưng không thấy chị Hai đâu cả, chỉ có bà nội ngồi ở cửa nhìn ra cánh đồng trước nhà. Sương còn giăng trắng và không khí vào lúc sáng sớm gần như đặc quánh.

            – Trời lạnh sao bà dậy sớm vậy?

            Nghe tiếng Lành, bà nội không trả lời mà hối:

            – Coi tranh thủ rồi ra phụ chị Hai bay nghen! Nhớ mua thêm ít nhang và dầu hỏa nghen con.

            Từ lúc ba má Lành mất, bà dành nhiều thời gian trong ngày chăm chút cái bàn thờ – nơi bà nghĩ còn lưu giữ linh hồn của những đứa con. Tre khóc măng làm bà cạn khô dòng nước mắt. Sáng nào bà cũng dậy sớm thắp nén nhang rồi chống gậy đứng nhìn thật lâu di ảnh của ba má Lành. Đứa con trai ra đi theo người vợ vắn số chưa tròn năm bỏ lại ba đứa con côi cút cùng bà mẹ già. Bà giờ như ngọn đèn dầu le lói trước gió nhưng cũng cố chút sức tàn lực kiệt để làm chỗ dựa cho ba đứa cháu nội. Lành đạp xe chở thêm ba buồng dừa mới hái ra đến nơi đã thấy dòng người đông nghẹt đi chợ cuối năm. Trên khắp các ngả đường bạt ngàn hoa đổ về, hoa xuống cả lòng đường, hoa chen cả lối đi. Chỗ chị em Lành ngó sang bên kia đường tràn ngập hoa Lay ơn với đủ sắc màu. Năm nay thuận trời nên được mùa hoa hay sao á. Đám hoa của ông Năm chỉ còn mươi chậu. Ông tính từ giờ tới chiều nữa là xong về sớm. Chị Hai hối Lành bỏ đu đủ vào túi ni lông cho vợ chồng người khách chắc đi làm ăn xa mới về vì trên xe máy còn lỉnh kỉnh va li, túi xách. Mấy buồng dừa xiêm sắp nạo mới gần buổi sáng đã bán hết. Dường như thói quen mua sắm của người dân dồn hết vào ngày cuối cùng trong năm. Hai chị em ra bán đây đã mấy ngày rồi mà chỉ hôm nay là đắt khách nhất. Ăn cơm trưa xong Lành đã thấy ông Năm tháo lều và bê mấy chậu hoa còn lại chất lên cái rơ mooc ông độ để kéo sau xe máy. Lành quay sang hỏi:

            – Sao không ở bán thêm cho hết mà lại chở bông về thế ông Năm?

            Vừa kéo sợi dây buộc cho chặt mấy chậu hoa, ông trả lời Lành bằng cái giọng cố sức:

            – Mấy chậu còn lại ông chở về nhà chơi. Nhiều năm “làm thợ rèn mà không có dao ăn trầu “ đó con à.

            Xong việc đâu đó, ông xách một túi quà sang bảo với chị Hai:

            – Con Hai mang mấy gói bánh này về để lên bàn thờ ba má bay thắp nén hương giúp ông nghen. Nhớ lấy gói cà phê pha một ly cho ba bay vì lúc còn sống đi làm xa về, lúc nào những ngày tết nó cũng ghé uống cà phê nhà ông.

            Chị Hai nhận món quà từ tay ông Năm mà nước mắt lưng tròng vì ông nhớ tới thói quen của ba. Ông quàng tay lay lay cái vai chị Hai động viên:

            – Cố gắng lên con để còn có sức chăm nội, chăm em.

            Lành xách túi ni lông có đựng vài quả dừa nhỏ với quả đu đủ đã chuẩn bị sẵn tặng ông Năm. Nó còn chọc ông một câu như muốn xóa đi không khí trầm buồn khi ông nhắc tới ba nó:

            – Nhớ thêm quả mãng cầu với chùm sung nữa nghen ông Năm.

            Ông phá lên cười “cha bay” rồi hối anh con trai nổ máy kéo đi hòa vào không khí tết bên dưới lòng đường. Chị Hai vẫn còn cầm túi quà trên tay đứng ngó theo cho đến khi chiếc xe máy kéo cái rơ mooc mất hút trong biển người chiều cuối năm. Cái tình người, tình quê của những người như ông Năm nó mộc mạc, chân chất làm cho chị em Lành thêm chút ấm áp, chút hương xuân. Nhìn chị hai, Lành cũng đứng ngẩn ngơ ngó theo. Dẫu biết rằng trong cuộc đời của mỗi con người có biết bao lần xuân đến rồi xuân đi nhưng mùa xuân này Lành mong nó qua nhanh để có thể quên đi sự mất mát lớn nhất trong cuộc đời này mà tiếp tục sống. Những tháng ngày buồn đau rồi cũng trôi qua trong cuộc đời này, những buồn vui cũng sẽ đến rồi đi trong cõi nhân sinh này nhưng chỉ có nỗi nhớ ba má còn đọng mãi. Nó hành hạ tâm hồn của một cô gái tuổi vừa mới lớn như Lành làm cho xác thân thêm tiều tụy.

            – Bán cho chị cặp dừa và cặp đu đủ đi em.

            Chị khách hàng trạc tuổi chị Hai của Lành lên tiếng làm cho cả hai chị em giật mình. Cái ngày thứ ba trăm sáu mươi lăm này trôi qua như nhanh hơn những ngày khác trong năm. Mới đó mà trời đã sắp lặn. Khói hương nhà ai cúng rước ông bà  nghe thoang thoảng làm cho không gian chiều cuối năm thêm ấm cúng. Chị Hai chen vội vào mấy quầy hàng để kịp mua vài thứ về cúng ba má. Hai chị em về đến nhà đã thấy bà nội lò dò ra tận ngoài ngõ đứng chờ. Bà ngoái đầu vào trong nhắc con Út cắm bình hoa vạn thọ tươi rói mà ông Năm vừa mới mang sang. Ba chị em sắm sửa mâm cơm theo sự chỉ dẫn của nội. Đứng trước bàn thờ mà chị hai không biết nói gì ngoài câu “ Mời ba má về ăn tết”  trong tiếng sụt sùi của mấy chị em. Nội kéo ba chị em ngồi lại nơi cái bàn nhỏ dạy bảo:

            – Đau buồn rồi cũng qua. Con Hai vững vàng lên để còn là chỗ dựa cho hai em bay. Ông trời không lấy hết của ai bao giờ. Cố gắng lên các con.

            Bà lôi ra trong cái túi vải số tiền tiết kiệm bấy lâu nay trao cho chị Hai giữ mà lo liệu. Lành ngó sang thấy chị Hai giây phút này như trưởng thành hẳn. Chị gạt nước mắt cố nở nụ cười rồi hối thúc Lành và Út chuẩn bị các thứ để đón giao thừa. Ngoài kia tiếng nhạc xuân nhà ai nghe rộn ràng khi thời khắc chuyển giao năm mới sắp đến. Hy vọng tương lai cũng sẽ mỉm cười và mùa xuân sẽ còn ở lại với chị em Lành.

Bùi Duy Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: