02/12/22 – 02:12
BÀ NỘI
Thật ra nó cũng có ba mẹ như bao đứa trẻ khác, nhưng ba nó mất khi nó còn rất nhỏ, còn mẹ nó thì bỏ nó ra đi khi nó còn đỏ hỏn (nó nghe bà nó kể lại). Vì vậy xem như nó là đứa trẻ mồ côi và tiếng gọi đầu đời của nó không phải gọi ba, gọi mẹ mà là bà – Bà nội. Nội thức khuya dậy sớm ẳm bồng, chăm sóc nó từ tấm bé. Tuy không có hơi của mẹ nhưng nhờ bàn tay chăm chút của nội, nó ngày một lớn lên khỏe mạnh, kháu khỉnh không thua một đứa trẻ nào. Trong lòng nó, bà vừa là ba, vừa là mẹ, là người thân duy nhất của nó. Đối với nó, hình ảnh người bà luôn khắc sâu trong tận trái tim, luôn thắp sáng một niềm tin mãnh liệt khi nó gặp khó khăn, thất bại, cô đơn trên đường đời.
Quê nội của nó uốn mình theo dòng chảy của một con sông quanh năm nước chảy ngược xuôi, hai bên là lũy tre, hàng dừa xanh mượt. Nội nó kể những năm chiến tranh ác liệt, bóng tối bao trùm thôn xóm nhưng dòng sông vẫn trong, xanh biếc soi rõ dòng nước mắt của những người dân nơi đây qua những mất mác đau thương. Dòng sông mát rượi, in bóng hàng cây, bến nước, con thuyền. Dưới bến nhà nào cũng có một cây cầu làm bằng cây, ván. Hàng ngày, mọi người thường ra hai bên bờ sông để giặt giũ, rửa chén, tắm rửa… hoặc ngồi dưới bóng cây hóng mát nói chuyên trên trời dưới đất. Còn nó và bọn trẻ trong xóm sau khi chơi chán, cùng nhau nhảy tòm xuống nước đùa giỡn, lặn hụp, nước văng tung tóe. Bến sông lúc nào cũng sôi động, rôm rả tiếng cười nói.
Nó lớn lên trong sự chăm sóc đủ đầy của nội. Khi nó biết nói, biết đi, bà là người đầu tiên dắt nó từng bước nhẹ nhàng, rồi âu yếm hôn lên má nó khen nó khi nó chậm chạp tiến về phía bà. Những lúc nó vấp ngã, bà đỡ nó dậy dỗ dành, động viên, có khi bà thưởng cái kẹo, miếng bánh để nó quên đi cái đau. Ngay lúc ấy những giọt nước mắt cũng nhanh chóng tan biến trên gương mặt đứa cháu yêu của bà. (thực ra những chuyện này là do bà kể lại chứ lúc đó nó còn nhỏ không nhớ gì). Mùa đông giá rét, bà dành cho nó chiếc áo len, mũ, găng tay cho ấm. Mùa hè nóng bức bà đem lại cho nó những làn gió mát êm dịu cùng lời ru ngọt ngào đưa nó vào giấc ngủ say. Nội nó vốn là phụ nữ xưa không được học hành nhiều nhưng nội thuộc rất nhiều chuyện cổ tích, những câu ca dao tục ngữ, những bài hát dân ca, những bài hát ru. Tối nào cũng vậy, khi công việc xong xuôi, hai bà cháu lên giường nằm và bà lại kể cho nó nghe những câu chuyện cổ tích “ngày xửa, ngày xưa…” hay hát cho nó nghe một bài dân ca, một bài hát ru. “Ầu ơ… Ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi. Khó đi mẹ dắt con đi, con đi trường học, mẹ đi trường đời”. “Ầu ơ…Ví dầu cá bóng đánh đu, Tôm càng hát bội, cá Thu cầm chầu”… Lần nào cũng vậy, nó nằm sát vào nội, dụi đầu vào lòng bà lắng nghe và chìm vào giấc ngủ với hình ảnh bà tiên, ông bụt hiền lành, nhân hậu với những phép mầu kỳ diệu đem lại niềm vui, hạnh phúc cho mọi người cùng với những lời ru ngọt ngào tràn đầy cảm xúc. Nó chưa từng gặp mẹ, không cảm nhận được tình cảm của mẹ dành cho con thế nào. Nhưng nó thật sự hạnh phúc, hạnh phúc vô cùng khi được nằm trong vòng tay bà, cảm nhận sự dịu dàng êm ái của bàn tay xoa lưng, xoa đầu và cả những lời ru ngọt ngào, tất cả thật dịu kỳ, nó say sưa nghe và chìm vào giấc ngủ. Bà nó nhớ rất nhiều chuyện ly kỳ, hấp dẫn, qua những câu chuyện, bà dạy nó cách phân biệt tốt xấu, dạy nó cách ăn ở, cách cư xử… cứ thế, nó quen dần với sự có mặt của bà, đối với nó có bà là đủ rồi. Khi nó đến tuổi đi học thì bà càng bận rộn, tất bật hơn; Bà chuẩn bị cho nó mọi thứ: Quần áo, sách vở, cả điểm tâm sáng. Bà đưa nó đến trường, săn sóc, sửa cho nó từng lỗi nhỏ trong cách ăn mặc, nói năng, cách cư xử. Nhờ sự chỉ bảo ân cần của bà mà nó hiểu biết sớm hơn, chững chạc hơn. Nó lớn lên đồng nghĩa với việc bà nó cực khổ hơn; Trời chưa sáng, nội đã thức dậy nhóm bếp củi cặm cụi nấu xôi đem ra chợ bán, nó đã quen với hình ảnh bà lụi cụi bên bếp lửa sáng, trưa, chiều… Nội còn trồng rau, nuôi gà vịt để bán có thêm thu nhập. Nội muốn kiếm thêm tiền để lo cho nó đi học, để nó không thua kém bạn bè. Thương nội, từ nhỏ nó đã có ý thức là phải học giỏi, chăm ngoan và hiếu thảo với bà. Có lẽ nhờ những câu chuyện cổ tích, những lời ru của nội giúp nó có một vốn từ phong phú, giúp nó hiểu hơn về lòng nhân ái, đạo lý làm người, lòng yêu quê hương đất nước với lũy tre làng, dòng sông, bến nước, ngôi nhà… mà nó học văn rất giỏi. Những bài tập làm văn của nó điểm rất cao, những dẫn chứng nó đưa vào bài rất chính xác, cụ thể, lạ lẫm khiến cô giáo cũng phải ngạc nhiên vì không biết nó lấy chúng ở đâu mà độc đáo, phong phú như thế. Còn lũ bạn nó thì khỏi phải nói, đứa nào cũng phục nó sát đất. Giờ chơi chúng tụ lại kêu nó kể chuyện, đọc thơ cho chúng nghe, cũng có lúc nó trở thành “ Người thầy bất đắc dĩ” của tụi bạn; tất cả cũng nhờ nội. Như món ăn tinh thần, tối nào nội cũng đọc thơ, kể chuyện, hát ru cho nó nghe. “Ầu ơ… Bồng bống bông bông, lớn lên con phải cố học hành; học là học đạo làm người; con đừng lêu lỏng kẻ cười người chê” “Ầu ơ… Cháu ơi cháu ngủ cho lâu, mẹ cháu đi cấy đồng sâu chưa về. Chừng về bắt được cá trê, tròng cổ mang về bà cháu mình ăn”.
Không chỉ thế, nội còn trả lời vô vàn những thắc mắc của nó một cách cụ thể, dễ hiểu. Nó cũng hay trêu nội:
– Nội ơi, sao bà tài thế, bà biết hết mọi thứ, bà giỏi hơn cả cô giáo con đấy!
– Có gì khó đâu cháu, cháu quan sát, nghe, nhìn, nhớ, để ý mọi việc xung quanh, chịu khó học hỏi, kiến thức trong đời sống rất phong phú, bao la, cháu học mãi cũng không hết. Bà cũng học được từ trong cuộc sống chứ có qua trường lớp nào đâu!
Chỉ đơn giản thế thôi, Nó học ở bà rất nhiều, đó là vốn sống, là hành trang để nó tiếp bước. Bà là cô giáo mà nó tôn kính nhất.
Những buổi chiều rảnh rổi, khi cái nắng gay gắt đã dịu lại, hai bà cháu dắt nhau đi dạo trên con đường làng, con đường như đang ngủ say trong bản nhạc êm đềm của gió, không khí ở làng quê thật trong lành mát mẻ, đồng quê cũng hiền hòa giống như bà nó vậy. Những đêm oi bức, hai bà cháu trải chiếu ra sân nằm hóng gió trời; Bầu trời tô điểm bởi những ngôi sao lấp lánh, nó trỏ một ngôi sao sáng nhất hồn nhiên bảo:
– Bà ơi, cháu ước gì mình là ngôi sao sáng nhất như ngôi sao kia?
Bà mỉm cười nói:
– Ngôi sao xa quá, mỗi khi bà muốn ôm cháu vào lòng thì phải làm sao? Tuy cười, nhưng nó nhìn thấy vẻ mặt buồn buồn của bà, nó vội nói:
– Thôi cháu không làm ngôi sao đâu, cháu sẽ ở mãi bên bà để nghe bà kể chuyện, được bà quạt mát, được đi dạo cùng bà, bà đừng buồn nhé!
Bà cười, nụ cười thật hiền, nhân hậu. Nhìn bà, nó thấy bà giống như một bà tiên nhân ái luôn yêu thương che chở cho nó. Đối với nó, bà là tuyệt vời nhất.
Cứ thế, nó lớn lên trong vòng tay chăm sóc, yêu thương của nội. Nó ngoan ngoãn, học giỏi, được mọi người yêu mến. Tình yêu, sự hy sinh, sự tận tâm chăm sóc chu đáo của nội khiến nó quên mất mình là đứa trẻ mồ côi. Nội ngày một yếu, sức khỏe kém hơn, tóc bạc trắng, lưng còng, lúc nào nội cũng tất bật quần ống thấp ống cao, gương mặt chồng chất bao nét nhăn của thời gian, đôi mắt không còn sáng nữa nhưng luôn ánh lên niềm vui trước thành quả học tập của cháu. Bà vẫn cặm cụi làm việc không ngơi tay và chưa một lần than thở hay trách mắng nó. Thương nội, nó cũng thức sớm phụ nấu xôi và đòi cùng bà đi chợ bán nhưng bà gạt đi và nói:
– Mình nội làm được rồi, con cứ học cho giỏi, sau này có nghề nghiệp vững vàng, lúc đó nội không làm nổi thì con chăm sóc cho nội cũng không muộn.
Nhưng khi nó thành đạt, có sự nghiệp vững vàng, đủ khả năng lo cho nội thì nội không còn nữa. Nội ra đi một cách nhẹ nhàng, thanh thản. Gia tài nội mang theo chẳng có gì ngoài những bộ quần áo cũ. Và từ đó nó thực sự trở thành đứa trẻ mồ côi. Nội không còn, nhưng với nó, nội vẫn luôn hiện hữu, hình ảnh nội ngồi bên bếp lửa,bên làn khói trắng mờ ảo hiền lành, nhân hậu như bà tiên trong chuyện cổ tích và dịu dàng, mượt mà, ngọt ngào như lời ru vẫn sống mãi trong nó. Nó chợt nhớ đến mấy câu thơ trong bài thơ: “Bếp lửa” của Bằng Việt mà nó đã từng học:
Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa!
…Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi…
Hình ảnh người bà trong bài thơ sao giống bà của nó. Nhớ bà, nó thầm gọi: Nội ơi, nội cực khổ nhiều rồi, giờ nội hãy an tâm nghỉ ngơi đừng lo nghĩ gì. Con sẽ sống tốt để nội luôn tự hào về con.
Thạch SeNe
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Con hẻm – Tản văn Lưu Giang
Giấc mơ trưa – Thơ Lê Thịnh (Nha Trang)
Biển và em – Thơ Phan Hồng Phong (Nghệ An)
Ta về – Thơ Lưu Giang
Hoài niệm – Thơ Lê Hoàng Phương
Chúc mừng sinh nhật chị gái An Khuyên – Thơ Cô Đỏ Quán
Chiếc xe đồ chơi bằng gỗ – Thơ Lê Thi (Đắk Lắk)
Phượng ơi – Thơ Lưu Giang