Gạc-măng-rê – Tác giả Hương Quế

08/12/22 – 10:12

Tác giả Hương Quế Và Con

Ba mất khi tôi chỉ vừa 4 tuổi; sau này lớn lên má bảo vậy! Mình má một nách 4 đứa con ở cái tuổi chỉ biết chơi nhiều hơn biết làm. Hết công việc đồng án, má quay sang làm bánh bèo, bánh xèo bán buổi sáng để kiếm thêm thu nhập nuôi con.

Thời bao cấp, giai đoạn đầu năm 1976 cho đến năm 1986 của thế kỷ 20, là giai đoạn kinh tế khó khăn chung của đất nước, bởi vậy nhà chỉ mình tôi được đi học, vì tôi là con út nên má và anh chị ưu tiên.

Thời ấy, quê tôi đa phần nhà tranh vách đất, nhà nào đỡ hơn mái lợp tôn; nhà xây, mái ngói chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhà tôi cũng cất theo kiểu 3 gian truyền thống, mái lợp tôn, vách đất, trần nhà cũng bằng đất. Chính vì nhà vách đất, trần đất nên luôn mát mẻ khi Hè sang và ấm áp khi Đông đến. Ngôi nhà nhỏ nằm trên mảnh đất gần 2.000 mét vuông được bao quanh bằng đủ loại cây ăn trái; nào ổi, mãng cầu, chuối, mít… để sau mỗi buổi học về, không kịp thay quần áo tôi quăng cặp sách, trèo lên hết cây này đến cây khác, tha hồ hái ăn thỏa thích, có hôm trái cây chín nhiều ăn đến no, vậy là bỏ bữa… nhưng trái cây có mùa, cơm hàng ngày vẫn là chính.

Những hôm tan học về muộn, vừa tới cổng nhà tôi đã réo:

– Má ơi! có cơm chưa má…?

Anh trai tôi trêu:

– Có mà ăn hết rồi!

Nghe vậy nước mắt tôi đã chực trào ra vì cái bụng đói meo của mình. Sợ tôi khóc má vội nói:

-Để phần cơm con trong gạc- măng- rê kia, vô ăn đi con!

Nghe vậy tôi cười chạy vô lục cơm trong gạc-măng-rê…

Gạc- măng-rê hay còn gọi cái chạn bát, giàn tủ bếp, chiếc cụi, còn người dân quê tôi thường gọi cái cũi; Gạc-măng-rê được đóng bằng những thanh gỗ mỏng, đóng lưới bao bộc kín, hoặc đóng những thanh gỗ, hay miếng ván gỗ bao bộc xung quanh, có 2 tần. Thường tần dưới má để hũ gạo, hũ muối, chai nước mắm, gia vị, nồi xoong; tần trên để thực phẩm đã được nấu chín; nó là nơi cất giữ  phần tôi mỗi khi tôi học về muộn.

Gạc-năng-rê nhà tôi có từ lúc tôi còn rất nhỏ, lúc đó mỗi khi muốn lấy phần ăn tôi phải nhón gót mới lấy đươc và nó tồn tại cho đến sau này. Tôi không nhớ “nó” đã chứa bao nhiêu bữa cơm mà má dành phần cho tôi trong đó. Sau này học xong, đi làm rồi có gia đình, ra riêng; dù vậy má vẫn thường dành phần cơm cho tôi trong chiếc gạc-măng-rê và má bảo chị gọi tôi về ăn.

Năm tháng trôi qua nhanh, má ngày càng già yếu; năm đó má lên nhà anh trai ngồi coi tivi, chị dâu mua bán nông sản nên nhà chất đầy lúa; tai nạn bất ngờ ập đến, má bị đóng lúa chất quá cao đổ sập xuống đè lên người má, hậu quả chân má gãy xương, nằm một chỗ, vậy mà có người còn bảo may chỉ gãy chân… Anh chị đưa má đến bệnh viện huyện rồi chuyển lên bệnh viện tỉnh điều trị thời gian dài mới ổn; gắng gượng sống được vài năm sau má đã đi về cõi vĩnh hằng.

Cơn lũ năm 1993 xảy ra, thị trấn nhỏ quê tôi hầu như chìm trong biển nước mênh mong; cơn lũ đã cuốn trôi đi chiếc gạc-năng-rê gỗ để rồi sau đó chị đã phải mua chiếc gạc-măng-rê mới bằng inox lắp kính. Và nó vẫn là nơi cất giữ phần cơm cho tôi, với tôi gạc-măng-rê dù bằng gì tôi cũng quý, quý bởi đó là một trong những kỷ niệm của tuổi thơ tôi, để rồi cho đến tận bây giờ dù tôi đã có con, lên chức bà ngoại, nhưng thi thoảng chị vẫn dành phần cơm cho tôi trong chiếc gạch-măng-rê.

          Là con út được má cưng chiều, được anh chị yêu thương luôn dành cho tôi những gì ngon nhất, được học hành, được vui chơi… Công việc đồng án, việc nhà  đã có má, có chị, có anh lo hết, tôi lớn lên trong tình yêu thương của cả nhà; chưa kịp đền đáp công ơn sinh, dưỡng của má, thì má đã về với ông bà, tổ tiên.

Đã gần 15 năm má- con xa biệt âm dương, nhưng trong thâm tâm tôi, má vẫn còn đang sống; và thi thoảng trong giấc mơ, tôi đã gặp má; thi thoảng tôi chợt giật mình tỉnh giấc vì như có tiếng má gọi.

Má vẫn còn hiện hữu bên con phải không má! Tôi đã thầm nói với má như vậy.

Tôi luôn nhớ thương má và nhớ cả những bữa cơm má dành cho tôi được cất giữ trong chiếc gạc-măng-rê!

Ảnh minh hoạ internet

                                                                             27/11/2022

Hương Quế

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: