09/04/22 – 03:04
HÀ GIANG KÝ SỰ
Phần 1: Chuyện kể ở Hà Giang
Vậy là sau bao chuẩn bị, đợi chờ, chúng tôi cũng có dịp lên Hà Giang, vùng đất địa đầu của tổ quốc.
Rời Hà Nội phồn hoa, ồn ã và tạm quên đi những tiết học mệt nhoài với đầy rẫy những lập trường, tư tưởng, phương hướng, nhiệm kỳ… đoàn chúng tôi nhằm hướng bắc thẳng tiến vào những ngày cuối cùng của năm 2019 tây lịch.
Bởi đây là chuyến dã ngoại thực tế nên mọi người vui vẻ lắm. Xa thủ đô thân yêu vào một buổi chiều nắng vàng tha thiết nhưng lòng ai cũng hồ hởi, tuyệt nhiên chẳng thấy tâm trạng gì của kẻ “người ra đi đầu không ngoảnh lại, sau lưng thềm vắng, lá rơi đầy” cả.
Kinh kỳ náo nhiệt lùi dần ở phía sau lưng. Càng đi, nhà cửa, dân cư cứ thưa thớt dần. Qua Vĩnh Phúc, lên Thái Nguyên đã thấy khung cảnh vùng trung du, đến Tuyên Quang thì thật là đã đi trong không gian vùng cao, trùng điệp núi đồi, thấp thoáng mái nhà sàn dân tộc. Đêm vùng sơn cước, sương mù mịt giăng trắng đất trời, ngồi trên xe mà cảm giác lạnh giá cứ ngấm dần.
Chuyến đi này được chúng tôi chuẩn bị hết sức công phu. Để đảm bảo an toàn cho những cán bộ diện “nguồn DỰ BỊ chiến lược”, một bác tài xế loại tay nghề cao nhất nhì tỉnh Hà Giang được mời đánh xe xuống chở đoàn. Nói gì thì nói, người Hà Giang quen đường xá, phong tục, tập quán, đưa chúng tôi đi thì sẽ hay hơn. Chứ thuê bác tài Hà Nội, cả năm chưa leo con dốc nào, không yên tâm lắm. Ngoài ra, 2 tiểu ban Y tế và Hậu cần – phục vụ cũng được cấp tốc thành lập cùng với vài cơ số thuốc men, hoa quả, bánh kẹo, mì tôm được chuẩn bị sẵn để cuộc hành trình được thành công mỹ mãn…
Hơn 6 tiếng hành quân không nghỉ, Thành phố Hà Giang đón đoàn chúng tôi vào lúc 0h30 phút. Đêm khuya lạnh lẽo, chỉ có ánh đèn đường vàng vọt lặng lẽ sáng trong mưa phùn vùng biên viễn. Trước khi về khách sạn, mỗi người được mời ăn một bát cháo Ấu Tẩu. Nghe nói món này bổ lắm, rất tốt cho sức khỏe. Chẳng biết có phải vậy không mà sáng mai thức dậy, mọi người ai cũng thấy khỏe khoắn, nhẹ nhõm, không còn những mệt mỏi của một chặng đường dài…
Phần 2: Nơi cổng trời Quản Bạ
Sáng hôm sau, chúng tôi rời thành phố Hà Giang đi Đồng Văn. Đây mới là cuộc hành trình thực sự thử thách ý chí, nghị lực con người. Cao nguyên đá Hà Giang gồm 4 huyện vùng cao: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc quanh năm thăm thẳm mây trời và gió núi, sắc nhọn đá tai mèo. Đường lên Đồng Văn gập ghềnh, khúc khuỷu lắm. Mới đến con dốc đầu tiên (Bắc Xum), dài “chỉ” độ 9km, 1 bên núi cao, 1 bên vực sâu ngun ngút, mờ mịt sương mù, mấy anh cán bộ đồng bằng ngồi trên xe đã rú lên vì sợ hãi. Ấy thế mà chỉ 2 tuần trước đó, cũng những con người này, khi làm kiểm điểm cuối năm đã dõng dạc tuyên bố trước chi bộ: “lập trường tư tưởng vững vàng, không dao động trong mọi hoàn cảnh, thử thách”. Thế mới biết từ lý luận đến thực tiễn còn cách xa nhau nhiều lắm. Hiểu và thông cảm với tâm trạng của anh em, bác tài xế với 20 năm kinh nghiệm rong ruổi khắp các cung đường phía bắc cất tiếng động viên với 1 giọng rậm rãi “chân tình”: đây chỉ là con dốc nhỏ thôi, lên đến Đồng Văn còn nhiều đèo dốc nguy hiểm hơn các em ạ.
Như để bù lại những khó khăn, tạo hóa đã ban tặng cho Quản Bạ một kiệt tác thiên nhiên đẹp đến nao lòng, mà ngay những kẻ đang co người trong xe cũng cố nghển cổ ra nhìn: núi Đôi. Nhìn từ xa, 2 ngọn núi đều chằn chặn như bầu ngực của cô tiên vĩ đại. Những hôm mây mù như hôm nay, đôi gò bồng đảo lại càng thêm mờ ảo. Vẫn bác tài xế vui tính tiết lộ một thông tin thú vị: nhìn kỹ thì ngọn bên phải nhỉnh hơn một chút và căng tròn hơn. Ồ, quả là như vậy.
Qua mấy lần bò lên, bò xuống, ghập ghềnh những khúc cua khúc khuỷu, cổng trời Quản Bạ cũng hiện ra trước mắt anh em. Cung đường độc đạo lên cao nguyên, cũng là điểm đầu của con đường Hạnh Phúc nổi tiếng mà đồng bào các dân tộc vùng cao cùng hàng nghìn thanh niên xung phong của 9 tỉnh phía bắc đã tốn không biết bao nhiêu công sức, máu xương ròng rã suốt 6 năm trời mới xây dựng nên từ những năm cuối của thập kỷ 50. Nơi đây mấy trăm năm trước chỉ là 1 đường mòn nhỏ, có chỗ chỉ đi lọt 1 ngựa 1 người. Nghe nói ngày trước có cánh cổng gỗ to lắm, ngăn cách 4 huyện với bên ngoài. Khi các quan lang muốn đóng cổng trời, chỉ cần ra lệnh là cả vùng cao nguyên đá nội bất xuất, ngoại bất nhập, đến con kiến cũng không chui lọt. Bởi là nơi hiểm địa, nên chỉ cần mười người chốt giữ cũng có thể cầm chân hàng vạn người.
Cổng trời Quản Bạ hôm nay rực rỡ hoa đào rừng nở bung trong nắng. Trên bầu trời, vẫn những ngọn gió núi ngàn năm heo hút, dưới chân, bức thành đá nhấp nhô, dài tít tắp lặng lẽ nép mình bên cung đường mờ ảo, chứng ghi bao biến động thăng trầm trên mảnh đất quê hương…
Phần 3: Uống rượu ở Đồng Văn
Chúng tôi đến Đồng Văn vào một buổi chiều muộn. Phố cổ cao nguyên nơi biên giới nằm lọt trong thung lũng nhỏ bốn bề vách núi bao bọc.
Bữa cơm cuối ngày toàn những đặc sản của địa phương: lợn treo gác bếp, thịt bò khô hấp, thịt gà đen, cải mèo, rau mầm đá luộc… món nào cũng ngon. Trên cao nguyên lạnh giá, rau Hà Giang có vị đậm và thơm hơn các nơi khác, nhất là so với rau Đà Lạt. Còn thịt lợn, gà, bò toàn là đồ sạch, tươi ngon lắm. Và không thể không nói đến rượu ngô, cũng là một đặc sản thú vị của người vùng cao. Trong bữa ăn thân mật này, đoàn có mời đồng chí chủ tịch UBND xã Tả Phìn và các thầy cô giáo trường tiểu học đến giao lưu, bởi hôm sau, theo lịch trình, chúng tôi sẽ đến tặng quà cho học sinh nhà trường.
Đêm cao nguyên, sương rơi mù mịt. Thị trấn nhỏ vùng biên vốn trầm lặng, hôm nay bỗng sôi nổi ồn ào bởi sự xuất hiện của đoàn Hà Nội. Các anh ở Tả Phìn đã khéo léo bố trí đội hình tiếp đoàn gồm toàn những cô giáo vùng cao trẻ, đẹp, đằm thắm và uống rượu không bao giờ say.
Bên mâm cơm ấm cúng, bên các cô giáo dịu dàng, khéo léo, bên chén rượu cao nguyên thấm đượm tình người, các cán bộ “nguồn dự bị chiến lược” vui vẻ lắm. Rượu cứ cạn từng chung đầy, rồi chẳng biết say tự lúc nào. Cái say của đất trời, của tình người, của tấm lòng người Đồng Văn mến khách. Trong số các giáo viên nhà trường, thầy giáo trẻ Trá A Nhù nhiệt tình quá, đi chúc tất cả các mâm mà gương mặt chỉ hơi chút ửng hồng.
Uống rượu, quả như lời người xưa dạy: “tri kỷ tương phùng thiên bôi thiểu”. Đã mấy lượt nhà hàng phải tiếp thêm rồi mà cuộc vui vẫn chưa dừng. Khi câu chuyện đã thân tình, mọi người cùng nhau cất lên bài hát của người vùng cao: “Uống cho vợ này, uống cho con. Uống cho chân này, uống cho tay. Chồng uống, vợ say. Người uống, ngựa say. Uống cho mày này, uống cho tao. Bát đầy, bát đầy, bát đầy lại bát nữa, bát nữa lại bát đầy…”. Cũng may trong đoàn cán bộ, những nhân tài văn nghệ không thiếu. Đặc biệt có một thi sỹ “bán chuyên trách” biệt tài xuất khẩu thành thơ. Ngồi bên cô giáo vùng cao có đôi mắt đen thăm thẳm, chàng cán bộ thi sỹ ko dấu được cảm xúc lòng mình, cất lên tiếng giọng ngân nga:
Có những tháng năm rồi sẽ qua đi
Có những mùa xuân sẽ ko trở lại
Gặp nhau một lần nhưng anh nhớ mãi
Người Hà Giang ơi, thương nhớ quá đi thôi...
Uống, hát, lại uống, lại hát, lại đọc thơ. Thời gian như ngừng trôi trên cao nguyên đêm nay. Đến lúc khuya lắm rồi, khi gió núi thổi từng cơn lạnh buốt bên hiên nhà, đồng bào đã ngủ say, chúng tôi rủ nhau ra phố cổ Đồng Văn ăn ngô nướng. Ngô cao nguyên trồng trên vách đá tai mèo, chỉ một hóm đất nơi kẽ núi mà tươi tốt lạ kỳ, thơm và dẻo lắm.
Đêm Đồng Văn, đêm của nồng nàn hơi rượu, chan chứa nghĩa tình. Nếu đêm nay ai đó uống chưa say thì coi như chưa đến mảnh đất này…
Phần 4: Điều “kỳ lạ” trên cao nguyên
Cao nguyên đá Hà Giang – vùng đất biên viễn với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp làm say đắm lòng người. Nơi đây nhiều đá, thừa nắng, lắm gió nhưng lại thiếu đất, thiếu nước – 2 điều kiện rất quan trọng cho cuộc sống mưu sinh. Để tồn tại được trên mảnh đất này, người Hà Giang phải cần mẫn hứng nước trên các mạch ngầm vách núi, tận dụng từng hốc đá, hóm đất tỉa ngô, trồng sắn; kỳ công xếp đá làm các bức tường quanh nhà, quanh ruộng để bảo vệ gia đình và cây cối, hoa màu. Sống trong điều kiện khắc nghiệt như vậy nên con người sinh ra đã mang trong mình những phẩm chất lạ lỳ. Đó là sự dẻo dai, bền bỉ, dũng cảm, chịu khó và tính đoàn kết gắn bó cộng đồng rất lớn. Lên Hà Giang, chúng tôi được chứng kiến nhiều điều “lạ”: Nhà thường không xây cổng, cửa cũng ít khi đóng. Ở đây, không khó để bắt gặp cảnh xe máy để ngay vệ đường, kể cả vào buổi tối. Khách qua đường cứ gọi là phải chú ý để tránh va quẹt. Rồi nhiều quán bán hàng mà chẳng thấy chủ đâu. Là bởi xung quanh đều là họ hàng, người bản, nhưng quan trọng hơn, người Hà Giang sống rất chân tình, thật thà. Thành ra dù còn nhiều khó khăn nhưng việc thực hiện “nếp sống văn minh” ở cao nguyên đá xem ra còn hơn miền xuôi nhiều lắm.
Ở Hà Giang, loại xe máy phổ biến nhất là Min – khờ (còn các loại xe khác, nhất là xe tay ga thì có cho kẹo nhử cũng không dám bén mảng). Được tận mắt chứng kiến những “tay lái lụa” trèo đèo, vượt dốc mới thầm phục các bác tài nơi đây. Con đường mòn chênh vênh trên vách núi rộng chỉ độ vài chục phân, người yếu bóng vía nhìn còn chóng mặt. Thế mà các bác tài bản địa vẫn cưỡi “ngựa sắt” chạy phăm phăm. Mà nào đi người không, toàn buộc thêm hàng hóa cồng kềnh, quá khổ, lại chở mấy người ngồi sau. Hành trình lái xe có thể gọi là một nghệ thuật trình diễn xiếc ngoài trời điêu luyện. Có thể nói, nếu được đào tạo, bồi dưỡng kỹ, những tay lái Hà Giang hoàn toàn đủ sức tham gia thi đấu và tranh giải ở những cuộc thi đua xe quốc tế dã ngoại đường trường.
Trần Đức Tuấn
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Con hẻm – Tản văn Lưu Giang
Giấc mơ trưa – Thơ Lê Thịnh (Nha Trang)
Biển và em – Thơ Phan Hồng Phong (Nghệ An)
Ta về – Thơ Lưu Giang
Hoài niệm – Thơ Lê Hoàng Phương
Chúc mừng sinh nhật chị gái An Khuyên – Thơ Cô Đỏ Quán
Chiếc xe đồ chơi bằng gỗ – Thơ Lê Thi (Đắk Lắk)
Phượng ơi – Thơ Lưu Giang