10/04/23 – 07:04
LONG LANH ÁNH NHÌN
Hiến chương Nhà giáo đang về, lòng không khỏi bồi hồi nhớ lại chuyện ngày xưa – chuyện đã lâu lắm rồi, từ năm 1984, khi tôi là cô bé học sinh lớp 2 trường làng. Ngày đó, quê tôi còn nghèo, luỹ tre làng xanh mát, che rợp cả con đường đất đỏ lô nhô, những mái nhà tranh lụp xụp, vách đất liêu xiêu loang lổ nắng chiều. Ngôi trường quê được làm nên từ những thân tre già cỗi. Ngày đông, mái tôn không đủ lành nên lũ trẻ cứ dồn nhau về một phía tránh mưa, co rúm cả người bởi gió lùa từng cơn qua cánh cửa. Chỗ ngồi của cô giáo cũng lấm lem vì bùn đất bắn lên tung tóe. Mỗi mùa lũ về lại đau đáu những lo toan. Nghĩ lại càng thương. Lũ trẻ làng quê đứa nào đứa nấy lem nhem nhưng phải nói là ham học. Mấy cô giáo trên phố về dạy, thỉnh thoảng khi bánh, khi quà chia phần cho chúng tôi. Những viên kẹo bi xanh đỏ hồi ấy sao mà ngon đến lạ lùng. Tuổi thơ cứ thế đi qua, nghèo khó mà bình yên vô kể!
Một buổi chiều sắp tan học, một bác phụ huynh vào lớp gặp chúng tôi rồi dặn dò… Những cánh tay gầy guộc cứ giơ lên răm rắp và miệng hô to “được ạ, được ạ”. Chúng tôi ríu ra ríu rít hồi hộp mong chờ ngày 20 tháng 11. Thế rồi ngày ấy cũng đã đến. Chúng tôi nhảy cẫng lên sung sướng vì được đi thăm thầy cô, nhất là cô giáo chủ nhiệm của mình. Tôi nhớ, sáng đó, mẹ đong cho tôi khoảng chừng 6, 7 lon gạo trắng. Mẹ nói: “Con có sức bao nhiêu thì xách bấy nhiêu”. Tôi xin mẹ đổ thêm lon gạo nữa. Rồi tôi hí hửng xách đi trong niềm vui khó tả. Giờ tập trung, quả là không thiếu một ai. Những đứa trẻ nhem nhuốc đất quê mà ánh mắt sáng lên đến lạ. Mỗi đứa khoe một túi gạo. Dường như bạn nào cũng cố mang được nhiều hơn để làm quà cho cô giáo. Sau này tôi mới được biết, chồng cô tôi mới mất, để lại mẹ già và hai cô con gái nhỏ. Em bé lại hay ốm đau. Cuộc sống của cô bấy giờ gặp rất nhiều khó khăn. Cô gầy đi trông thấy. Có điều lời cô giảng vẫn xanh trong văn vắt. Lũ trẻ chúng tôi cứ há hốc miệng mà nuốt từng lời cô giảng. Ở đó, chúng tôi được gặp ông mặt trời tươi đỏ, chị Hằng Nga hiền dịu, những bông hoa, cánh bướm lung linh và cả một thế giới thần tiên cổ tích… Nghe nói, cứ mỗi lần dạy xong, cô thường tranh thủ vào nhà dân mua ít cây chuối, rau lang hay của khoai củ sắn… Bà con thôn quê nghèo nhưng trọng nghĩa tình. Ai cũng dúi vào cái bao tời của cô khi mớ rau, mớ sắn… Tôi nhớ mẹ tôi cũng đã từng làm thế rất nhiều lần.
Chúng tôi đi bộ khoảng chừng gần 30 phút là đến nhà cô giáo chủ nhiệm. Trong trí tưởng tượng, tôi cứ nghĩ nhà cô tôi to lớn, đẹp lắm. Không ngờ đấy chỉ là một căn phòng hẹp, xây tạm bốn bên và một cái bếp nhỏ lợp tranh chạy dài ra căn vườn nho nhỏ. Gác bếp đơn sơ, nồi canh rau đang nấu dở… Sau lời chúc mừng cô nhân dịp 20 tháng 11 mà chúng tôi đã được ba mẹ, người lớn “tập dượt” sẵn, chúng tôi đi tìm thùng gạo nhà cô và lần lượt đổ vào từng bao gạo nhỏ. Một, hai, ba… đến bao thứ 10 thì gạo tràn ra mất. Ngoái lại phía sau, chúng tôi thấy hình như cô khóc. Cô ngoảnh mặt lau nước mắt. Bên cô chẳng mấy chốc mà đã đến trưa. Qủa thật, chúng tôi không ai muốn về cả. Nhà cô bao nhiêu là truyện tranh, truyện cổ tích. Chúng tôi sà vào đống sách truyện và ngốn ngấu đọc. Lát sau, một mùi thơm thoang thoảng bay lên. “Chu choa, thơm quá! Hít hà” Cả bọn xuýt xoa. Chợt nghe cô gọi:“Nào xuống lấy bát đũa lên nào”. Lập tức, chúng tôi đứa trải chiếu, đứa dọn mâm, khua chén, khua đũa nhặng cả lên. Cô lễ mễ bưng ra một nồi bánh canh bột mì. Tôi không nhớ cô nấu với món gì nhưng chỉ biết là cực kì ngon. Ngoài trời lất phất mưa, trong nhà ấm cúng, bên cô, bên bạn, vui ơi là vui. Hồi nãy, mấy cái miệng tranh nhau nói, cười giờ đến lượt tranh nhau mà ăn. Chợt nhỏ Thắng thắc mắc: “Cô ơi, tụi em ăn thế này rồi cô có nghèo đi không ạ?”. Cô ôm Thắng vào lòng, nơi ánh mắt lại một lần nữa ngân ngấn nước. Giọng cô thổn thức: “Cô sẽ không nghèo đâu mà đang rất giàu có đấy. Vì bên cô luôn có các em mà…” “Chúng em yêu cô nhiều lắm cô à!”. Tôi biết tự đáy lòng, bạn nào cũng muốn nói với cô câu đó.
Trước khi về, mỗi đứa chúng tôi đều được cô ôm vào lòng, xoa đầu, nhắc nhở. Chúng tôi lấy làm hãnh diện và tự hào vì ai cũng được cô yêu thương. Vòng tay ấm áp và ánh mắt long lanh ngày nào đã theo tôi trên mọi nẻo đường…
Gần ba mươi năm đã trôi qua, nghe nói cô đã chuyển về quê ngoại, tôi và bạn bè không biết nữa về cô. Nhưng trong kí ức mỗi người, cô vẫn là vầng trăng lung linh, hiền dịu… Có lẽ, đấy cũng là niềm tin đủ chắp cánh ước mơ cho tôi được làm cô giáo… Mỗi lời giảng, mỗi tình yêu thương và mỗi ngọn lửa tôi thắp lên trong các em hôm nay, đều thấp thoáng tình yêu của người cô tôi yêu từ thơ bé… Ngẫm nghe câu hát mà ấm áp cõi lòng:
Có một nghề bụi phấn bám đầy tay
Ta vẫn gọi đó là nghề cao quý nhất
Có một nghề không trồng cây vào đất
Mà cho đời những đóa hoa thơm”…
Trích bài thơ Đăng Văn Nhã
Hoàng Thủy
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Con hẻm – Tản văn Lưu Giang
Giấc mơ trưa – Thơ Lê Thịnh (Nha Trang)
Biển và em – Thơ Phan Hồng Phong (Nghệ An)
Ta về – Thơ Lưu Giang
Hoài niệm – Thơ Lê Hoàng Phương
Chúc mừng sinh nhật chị gái An Khuyên – Thơ Cô Đỏ Quán
Chiếc xe đồ chơi bằng gỗ – Thơ Lê Thi (Đắk Lắk)
Phượng ơi – Thơ Lưu Giang