23/03/23 – 09:03
MIỀN XA VẮNG
Cây sầu đâu đã bắt đầu đơm những chùm hoa, bồng lên, nổi bật trên tán lá xanh thẫm.
Hoa trắng, nhụy hoa bên trong màu tím, khi nhìn hai gam màu lẫn vào nhau làm cho hoa sầu đâu thật sự đặc biệt.
Một chập, có làn gió đùa vào tóm lấy cái mùi hương hoa thơm dịu quẳng vào không gian, ngây ngây.
Ngần ôm đồ ra sông, giặt xong phơi trên cát, phơi nhanh khi nắng lên, gom lẹ trước khi cơn giông đến vội.
Đam ngồi vắt vẻo trên chán ba cây sầu đâu, tay cầm một bó hoa – cánh trắng mỏng, nhụy xoè tim tím, đẹp mơ hồ.
– Ối, con mèo ăn cá!
Ngần giật mình, la khan, mới có mười bốn tuổi mà nói liệu như người già. Đam bụm miệng cười, có biết Ngần hay bị liệu từ bữa nó giẫm phải gai khi đi học về. Nhìn lên cây sầu đâu, bỗng Ngần quăng thau đồ xuống cát, ôm mặt chạy như ma đuổi.
Đam leo nhanh xuống, không hiểu nguyên nhân gì mà Ngần lại hoảng như thế? “Chiếc quần đùi ống rộng” mắc vào nhánh khô kêu “toẹt”, có phải đó là lý do? Chịu, Đam cũng không tài nào hiểu được… Tay gãi đầu, tóc xù lên chơm bơm!
Đam cúi xuống nhặt vội, gom vội những cành hoa rơi trên cát vì ban nãy vụng về ném xuống không trúng vào cái thau. Đam còn nhớ như in lời Ngần bảo: “Cậu biết không? Tớ thích nhất hoa sầu đâu đấy!”
Má con Ngần kiểu người lập dị, cả xóm ai cũng biết. Bà thường nói xa gần về chuyện mai lớn của con gái bà. Đất nước Na Uy xa xôi nào đó, nơi Ngần có một người dì lấy chồng xa xứ – nơi mà người nhà quê không hình dung ra được quanh năm tuyết trắng…
…4 năm sau…
Mùa hạ đến.
Thu rồi cũng qua..
Mưa tháng Mười hai dầm dề – Mưa mùa đông!
Bến bờ lặng lẽ, không còn ai mang đồ ra bìa sông vắng.
Cây sầu đâu đứng một mình.
Buồn.
Lá rụng, trơ cành…
Thỉnh thoảng, Đam nhớ lời má Ngần – ánh mắt của bà khi ấy sắc gọn – khi Đam bưng thau đồ Ngần đánh rơi bỏ lại, đứng thập thò, lấp ló trước cửa nhà.
-Đồ cái thứ…
Đam trở về vài lần sau khi tốt nghiệp và đã đi làm. Bà nội không còn ngồi trước hiên nhà vá lưới, nội đi xa lắm, xa ngái, phiêu diêu còn cao hơn mây ngàn.
Và người ấy cũng đi mất rồi, băng qua đại dương mênh mông đến nửa vòng trái đất. Còn chăng chút hi vọng trong con tim bẽ bàng?
Ngày thật dài, khung trời xám xịt, màn mưa lất phất, cây sầu đâu nơi bực bà già vẫn đó
– Cô đơn.!
***
– Sao cậu chỉ thích mỗi bông hoa màu tím vậy?
– Dạ cô, từ xưa giờ ạ.
– Lấy vợ đi, đàn bà con gái cắm hoa sẽ lâu héo đấy!
Cậu mỉm cười bước nhanh vào hành lang, cứ độ hai tuần bà cô bán hoa đều ghé lại rao một câu vang lên tới tầng hai chung cư X – như thể thời con gái bà là một người hát giọng opera thứ thiệt, bà nâng chữ ly lên vài nốt, kéo dài thành chữ lý nghe ngộ và vút cao…
Bà đến để bán cho chàng trai ấy bó hoa màu tím có khi là thạch thảo, có khi là một cành oải hương.
Chú Tư Thoàn bơm vá xe trước mé cổng chung cư đôi khi có gọi với theo bà:
– Cô Lê thân mến, thằng Đam thích hoa màu tím, đời tôi lại thích hoa hồng!
Tưởng đâu cô vui, hiền vậy mà cũng đáo để:
-Vậy… thì về mà ôm mỏ lếch!
Cô đạp xe đi cái vèo, liếc con mắt lá răm một thời về phía chú và tiếng cười của cô vẫn còn vang mãi nơi lồng ngực của kẻ mang biệt hiệu “Tư cô độc”.
20 năm sau…
Phòng vương vãi nào là ống cọ, tab màu. Trên giá vẽ chỉ vẹn một gam màu tím ngát. Dòng sông ánh chiều cũng loang màu tím sẫm hắt lên cây sầu đâu trơ vơ một nỗi buồn khó tả!. Những chùm hoa tím nhạt không ở trên cây mà rơi là đà giữa khoảng lưng chừng, nghe hồn tranh chạm vào tan tác!
Ngoài kia.
Sài Gòn đêm mưa nhẹ, làn mưa cứ bay là đà, tạo thành những tia nước bắn ra như một xâu kim bung xoè khi ta ngồi từ trong quán nhìn xuyên qua ánh sáng của đèn nê – ông nhiều màu chiếu vào. Đam nhớ những ngày sắp không còn thấy nhau Ngần có gởi cho Đam một vỏ ốc mượn hồn, hồi nhỏ hai đứa thường đi lượm vỏ ốc rồi để vào lỗ tai cho gió sông thổi vào nghe như một tiếng hú dài…
– Sao Ngần tặng tôi con ốc khô? – Một con vật không có linh hồn?
– Nhận đi, hỏi nhiều làm gì!
Con ốc khô như vận vào người, đôi khi Đam nghĩ như lòng mình đã không còn trong thân xác. Và đó cũng là lần cuối cùng nhà Ngần chuyển đi một nơi rất xa.
30 năm sau…
Hôm qua cô gái trên tầng năm đặt cho ông vẽ một bức tranh về dòng sông, cô diễn tả nơi dòng sông ấy có thác ghềnh và trên dòng nước những cánh hoa màu tím đang trôi dật dờ. Ông giật mình nhìn vào đôi mắt của cô gái có tên là Dạ Ngân – khi cô đọc tên cho ông viết vào biên nhận. Cô là ai, tại sao bức tranh lại mang màu buồn như thế trong khi cô là một người với dáng vẻ kiêu sa? Ông cố tìm xem trên khuôn mặt cô gái kia có nét gì của người bạn thời niên thiếu? Ông tìm một nét ngây ngô, hiền như thơ thôi nhưng hoàn toàn xa lạ!
Cô bảo tuần tới cô bay, và bức tranh cô đặt ông vẽ không phải cho cô mà để tặng một người khác.
40 năm sau…
Bà bán hoa ngày nào bây giờ đã thôi không còn lời rao bay bổng. Thỉnh thoảng bà ngang qua đây để dưỡng sinh, người già thường hay nhớ về kỷ niệm, có lẽ bà luôn nhớ về cậu sinh viên ngày trước thích hoa màu tím…
Ông Tư Thoàn giờ đã đi đâu không ai còn gặp nữa, có thể ông đã “đi” quá xa rồi! Và cái tên người ta gán cho ông cũng không còn ai nhớ trên một góc nhỏ vỉa hè.
Ở cuối con phố mang tên một loài hoa có một phòng tranh nhỏ treo cái bảng hiệu bằng gỗ đề tên “Sầu Đâu” vẫn luôn sáng đèn với một họa sĩ già và những bức tranh mang tên ký ức!
60 năm sau…
Cô đơn khi trở về, dòng sông vẫn muôn đời lặng lẽ… Ông đứng nơi mà theo năm tháng cây sầu đâu đã không còn dấu vết.
Xa vắng.
Mông mênh.
Bất giác ông lẩm bẩm một mình:
– “Chỉ nhớ nhau thôi đã hết một cuộc đời!”*
* Xin mượn một ý thơ của nhà thơ Du Tử Lê
Lê Mỹ Thạnh
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Con hẻm – Tản văn Lưu Giang
Giấc mơ trưa – Thơ Lê Thịnh (Nha Trang)
Biển và em – Thơ Phan Hồng Phong (Nghệ An)
Ta về – Thơ Lưu Giang
Hoài niệm – Thơ Lê Hoàng Phương
Chúc mừng sinh nhật chị gái An Khuyên – Thơ Cô Đỏ Quán
Chiếc xe đồ chơi bằng gỗ – Thơ Lê Thi (Đắk Lắk)
Phượng ơi – Thơ Lưu Giang