Nhớ Vỹ Dạ xưa – Lê Phượng

24/02/23 – 05:02

Tác giả Lê Phượng

Nhớ Vỹ Dạ xưa

Lâu rồi không nấu bún Huế, có chăng là nấu bún đỏ Đắk Lắk vì thấy hay hay cũng dễ nấu. Hôm nay nhớ Huế, nhớ những kỷ niệm thời sinh viên và nhớ chè Chùa, nhớ món bún Huế.

Mình không phải là người hàng quán, nhưng sao lại nhớ món bún Huế? Và nhớ nhiều đến vậy!

Rời đường Nguyễn Công Trứ, nơi mình gắn bó thời gian dài, theo chị về Vỹ Dạ vì chị được phân công về dạy học ở Hương Lưu. Tại đây hai chị em trọ tại một ngôi nhà rường xưa cũ, nhà cụ Lý (cụ mất lâu rồi), chỉ còn người con dâu, cô gái họ Thân người Kim Long, đẹp như trong câu ca xưa: “Kim Long có gái mỹ miều. Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi” và con gái nhỏ. Nhà yên ắng trong khu vườn nhỏ, bóng nắng chiều chiếu qua hàng hiên, rọi vào những cánh cửa lá sách gợi một cái gì xa vắng, gợi hồn xưa cổ hay gợi một thời quá vãng mênh mông.

Đường xóm mình ở cũng vắng lặng, yên bình. Hai bên là những bụi hóp và những cây dừa như mọi đường xóm Huế thời xưa. Cuối đường xóm là đồng ruộng. Ngày mình đến, lúa đã gặt lâu rồi chỉ còn nền đất khô và gốc rạ. Đêm, cả cánh đồng vằng vặc bóng trăng không hiểu sao lòng mình cũng có gì mơ hồ buồn.

Những cô gái cùng tuổi nơi đây hiền, dịu dàng và chân chất. Hồi ấy mình cũng khép nép, ít giao tiếp và bận học hành, ngoài những giờ đi học, đi thư viện thì sang ngôi chùa gần cây cầu nối Vỹ Dạ với Cồn Hến để đọc những câu thơ thiền được viết lên những đường viền bao quanh khuôn viên chùa, dọc theo các lối đi. Lòng yên tĩnh, nhẹ nhàng!

Không hiểu sao cô gái nhà đối diện lại biết mình là sinh viên, hay ghé lại hỏi han, sau này mình ít gặp người hiền, trong sáng và dễ thương đến vậy!

Có một mùa trăng, cô ấy ngồi trước hiên nhà rồi hát “Đường xưa lối cũ có em tôi tóc xanh bay mơ màng. Đường chiều dịu nắng bóng em đi áo nâu in đường trăng” Rồi cười nói là chị đó! Sau này đi xa, những ngày trăng lên sớm cứ nhớ mãi khoảnh khắc ấy và lòng cũng trắc ẩn: không biết cô còn ở Huế hay lưu lạc đâu xa?

Bên phải là nhà một vị giáo sư, người hoàng tộc, dạy ở trường Y khoa Huế, chú ấy đi tập kết về, người uy nghi, bệ vệ nhưng hóm hỉnh. Lâu mới sang nhưng lúc nào sang cũng than vãn những chuyện mô, tê, răng, rứa về người con trai cũng học trường Y Huế khiến mình nghe cũng bởn lởn vì không hiểu chuyện mô tê chú kể. Có lẽ chú nghĩ mình cũng “người có học”, nghe sẽ thông cảm và không ngạc nhiên về tính cách cậu ấy.

Nhưng để lại ấn tượng trong lòng mình là O Tấn, O là em của chú giáo sư, người hiền lành, dịu dàng, là một nàng tôn nữ chính hiệu. Lúc nào ghé sang cũng đọc thơ tiền chiến, O đọc: “Đưa người ta không đưa sang sông. Sao có tiếng sóng vỗ trong lòng”. O cứ nghĩ đó là một cô gái đưa tiễn một chàng trai sang sông mà không biết là Thâm Tâm tiễn bạn mình ra chiến khu (hay tự tiễn đưa mình) nhưng thôi mình không nói, để O mộng mơ theo ý tưởng của mình! Vì đôi khi nói rõ ra sẽ làm mất đi một “cảm xúc lãng mạn trữ tình” trong O!hihi

Nhưng nhớ nhất là nhờ hai người nầy mà mình biết nấu món bún ngon

Một lần, cô gái rủ: Chị thật ít ra ngoài, sau đường xóm mình có O bán bún gánh ngon lắm! Sang xem O nấu sau này mà nấu! Ui, nấu bún chi, sau này chị đi dạy cứ nấu cơm ăn và lên lớp thôi. Khi bận lắm thì ăn bánh tráng uống nước lọc cũng được! Bún cháo chi? Nhưng thấy chị hiền và cũng khéo tay mà! O Tấn tán đồng lắm!

Sang nhà O bán bún, biết mình là sinh viên, O quý lắm. Kéo cái đòn mời mình ngồi. Mình xin O để mình lặt rau và quan sát… Sau nầy mới thấy chữ nghĩa cũng rớt dần theo bụi thời gian nhưng chuyện đi học lõm này thật có ích!

Thôi không kể dài dòng nữa, kể nữa tưởng P kể chuyện cổ tích hay định viết tiểu thuyết thì nguy! hiii

Hôm nay P nấu món bún theo cách của O nhưng nấu tiết kiệm như lời O dặn (đó là một người bán bún hiền lành, tiết kiệm và cẩn thận).

    Vỹ Dạ xưa ơi, lưu luyến một khúc lòng!

Ảnh minh hoạ internet

Lê Phượng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: