Trung thu ngày ấy – Tác giả Nguyễn Chí Hiếu

02/12/22 – 09:12

TRUNG THU NGÀY ẤY

Năm nào cũng vậy, bắt đầu từ giữa tháng bảy âm lịch, khi các quầy văn hóa phẩm bày bán la liệt các loại đèn lồng, đèn ông sao, mặt nạ đủ màu; khắp mọi nẻo đường phố phường vang lên tiếng trống dồn dập của những đoàn múa lân, bất giác, trong tôi nỗi nhớ da diết, khao khát được quay lại ngày thơ bé, trở lại với những ký ức êm đềm của đêm rằm Trung thu. Trung thu của bọn trẻ quê mũi thò, ăn mặc nhếch nhác nhưng đầy hớn hở, háo hức, hồn nhiên vui đùa, chạy nhảy khắp nơi, với các trò chơi dân gian, những cái kẹo chanh màu xanh vặn xoắn hai đầu, vài củ khoai lang nướng, mấy quả ổi xanh, chùm dâu da hái vội cùng những trận cười, tràng pháo tay vang cả sân đội… Đó là ký ức tuổi thơ không thể nào quên về tết Trung thu nơi những miền quê.

Ảnh ngày tết trung thu internet

Ngày ấy, mỗi dịp tết Trung thu là bọn trẻ chúng tôi háo hức mong chờ, bởi chúng tôi được ăn kẹo, được tổ chức múa hát, được ba mẹ cho đi chơi cùng nhóm bạn mà không giới hạn giờ về. Chiều Trung thu, chúng tôi tắm rửa thật nhanh, ăn vội bát cơm, rồi í ới gọi nhau ra sân đội để chờ các anh chị trong chi đoàn tổ chức lễ. Bấy giờ, làng quê nào, thôn nào cũng có nhà đội hay nhà kho dùng để sinh hoạt, họp hành, chiếu phim…

Tết Trung thu ở miền quê cũng thật đơn giản. Chúng tôi ngồi xếp thành hàng ngay ngắn trong sân đội, sau những tiết mục văn nghệ là đến tổ chức trò chơi dân gian như Mèo đuổi chuột, Bịt mắt bắt dê… tiếp đến là chia quà. Đây chính là điều được mong đợi nhất. Mỗi đứa được hai, ba cái kẹo chanh vặn xoắn hai đầu hoặc kẹo Hải Hà nhỏ và ngắn bằng nửa ngón tay cái. Kẹo cầm chưa ấm tay đã được chúng tôi bóc vội rồi bỏ tọt vào miệng, ngậm cho tan dần dần để tận hưởng hương vị ngọt ngào của nó chứ chẳng dám nhai.

Sau phần chia quà là tiết mục văn nghệ cá nhân. Ở giữa trung tâm nhà đội được chuẩn bị sẵn một cành cây Găng đầy gai. Trên cành cây được gắn lên những bông hoa được làm bằng giấy xinh xắn, đủ sắc màu. Chị phụ trách phổ biến thể lệ trò chơi: Khi mở bông hoa giấy ra đã có nội dung viết sẵn. Người chơi có thể hát một bài, cũng có thể đọc một bài thơ hoặc kể một câu chuyện cười. Khi người chơi hoàn thành xong tiết mục thì được thưởng một cái kẹo. Chị phụ trách vừa dứt lời, do còn ngại ngùng, chúng tôi đứa nọ nhìn đứa kia. Nhưng một lát sau, một cánh tay giơ lên, hai cánh tay giơ lên, sau đó nhiều cánh tay giơ lên, có đứa hát không hay, không thuộc nhưng cứ đòi hát cho bằng được để lấy phần kẹo mang về cho bà, cho mẹ, cho em. Tan cuộc, các anh chị phụ trách đội ra về, còn lũ trẻ chúng tôi vẫn nán lại để so sánh số kẹo mà mình đã thu hoạch được, ngồi ngắm ánh trăng tròn vằng vặc, rồi nghêu ngao câu hát:  Thằng Cuội ngồi gốc cây đa / Thả trâu ăn lúa… gọi cha ời ời… / Cha còn cắt cỏ trên đồi / Mẹ thì cưỡi ngựa đi mời quan viên…

Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in năm 1988, một hôm đang đi trên đường, Du bạn tôi gọi lại nói: Đêm qua tổ phụ nữ và chi đoàn thanh niên họp bàn việc tổ chức cho các cháu ăn Trung thu. Mới chỉ nghe nói vậy mà chúng tôi háo hức, đứa nọ truyền tai đứa kia. Được ăn cơm cùng các bạn, nghe mới lạ quá! Lâu nay, chúng tôi chỉ được ăn cơm ở gia đình. Còn đối với nhóm bạn chỉ được ăn vài cái kẹo và những “bữa tiệc” khoai lang nướng đi mót được. Những lần đó, sao mà vui thế! Bọn tôi, chỉ cần nhìn nhau, thấy miệng đứa nào cũng nhọ nhem đã thấy vui rồi. Chúng tôi mong từng ngày, từng giờ một. Trước đó một ngày, chúng tôi tham gia lao động vệ sinh nhà đội. Sự háo hức làm cho cả bọn làm việc tích cực hơn. Mặc mồ hôi nhễ nhại và bụi mù trời, chúng tôi làm vẫn không biết mệt. Rồi ngày tết Trung thu cũng đến. Sự chờ đợi làm cho bọn con trai nghịch ngợm cũng trở nên hiền lành, dịu dàng hơn. Chiều hôm đó, chừng khoảng 17 giờ, mọi sự chuẩn bị sắp xếp đã xong. Keng, keng, keng… Một hồi kẻng vang lên. Từ các nhà, trong các ngõ xóm bọn trẻ ùa ra như đàn ong vỡ tổ. Chúng tôi vui sướng gọi tên nhau í ới. Mỗi đứa trong tay cầm một cái bát và một đôi đũa. Vui quá! Chúng tôi ôm vai, bá cổ nhau rồi gõ đũa liên hồi. Tất cả tập trung về sân nhà đội, đứa nào cũng hồ hỡi, náo nức như đoàn quân chiến thắng trở về.

Trước nhà đội, chúng tôi được tập hợp thành hàng dọc để được các anh chị dẫn vào mâm cơm theo lứa tuổi. Phòng ăn, chính là nhà đội được vệ sinh sạch sẽ, không có bàn, cũng chẳng có ghế. Bên trong những chiếc nong to được xếp theo hàng. Chính giữa nong được đặt một cái mâm nhôm hoặc nhựa để đựng thức ăn, kèm theo một rá cơm to. Mỗi mâm được bố trí ngồi mười đứa, quây quần lại với nhau. Ấn tượng bữa ăn tập thể đầu tiên tôi cứ nhớ mãi. Các chị chặt lá chuối trải quanh nong cho chúng tôi ngồi. Khi mọi người đã ổn định vị trí, chị phụ trách tuyên bố bữa cơm bắt đầu. Chưa có khi nào chúng tôi được ăn nhiều món đến như thế. Món nào cũng ngon, cũng nhiều. Không một tiếng trẻ khóc hay nũng nịu, đùa nghịch. Chỉ có ánh mắt thỉnh thoảng liếc nhìn nhau có vẻ mãn nguyện lắm. Ăn hết bát này thì xúc tiếp bát khác. Chỉ một lúc sau, mâm cơm vơi dần thì chị phụ trách thông báo: Em nào ăn xong thì tự đi múc nước ở thùng để rửa bát. Mỗi nhà được lấy phần về: Một bát cơm và một lát thịt lợn.

Được ăn no, lại còn có phần mang về thì còn gì sung sướng bằng. Tôi liếc mắt nhìn qua anh trai, ý muốn nói để em đem phần về trước cho. Ngoài sân, trời bắt đầu nhá nhem tối. Lúc cầm bát cơm trên tay, không kìm được niềm vui, tôi chạy một mạch về nhà. Khi còn cách nhà khoảng 30 mét, tôi vui sướng cất tiếng gọi: Mẹ ơi! Mẹ ơi! Rồi cắm đầu cắm cổ chạy tiếp. Vừa bước vào sân, trong niềm vui không tả xiết, tôi nhanh tay đưa bát cơm cho mẹ rồi nói: Phần của ba mẹ đây! Nhìn lại bát cơm. Tôi trố mắt ngạc nhiên. Lát thịt đâu rồi? Tôi quay người định đi tìm lại miếng thịt thì mẹ tôi dịu dàng nói: Có khi mấy con chó dọc đường ăn rồi con ạ. Thôi đừng tiếc nữa! Lời mẹ nói nhẹ nhàng càng làm tôi ân hận. Tôi tự trách mình, giá để anh trai bưng về thì không bị rơi mất lát thịt (vì anh trai tôi tính điềm tĩnh hơn)

Ngày ấy, bây giờ đã hơn 30 năm. Thời gian cứ trôi đi với biết bao kỷ niệm buồn vui, sướng khổ nhưng tết Trung thu năm ấy vẫn nằm sâu trong ký ức tuổi thơ tôi. Giờ đây, nơi phố thị, cuộc sống hiện đại, tết Trung thu không chỉ dành riêng cho trẻ nhỏ mà người lớn cũng tổ chức để gặp gỡ, hàn huyên vui vẻ. Tết Trung thu bây giờ đủ đầy, tròn vẹn hơn nhiều. Vẫn ánh trăng tròn nhưng cũng không sáng tỏ bằng thứ ánh sáng trong vắt xuyên qua những bụi tre làng. Có lẽ vì ánh trăng năm ấy không bị ánh điện làm mờ đi và Trung thu ngày ấy vẫn vẹn giá trị truyền thống khó phai mờ trong ký ức mỗi con người.

ThS NGUYỄN CHÍ HIẾU

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: