14/04/22 – 02:04
Chiếc xe đạp cà tàng chỉ còn mỗi khung sắt là trọn vẹn đèo ba và nó đi 7 km mà thật tội nghiệp. Cái yên xe cứ chổng lên chổng xuống. Cái dây sên thì khô nhớt, đạp được vài chục mét đã trật con cóc, trật sên. Mỗi lần xuống tra sên vào đĩa xe, ba lại nhặt hòn đá, đập đập vào chỗ có cái sên xe.
Tội nhất là hai bánh xe, lốp mòn bịch ruột, ba phải lấy dây thun quấn lại nên đi xe đạp mà hai ba con như đi xe ngựa vậy. Ruột xe thì vá chồng vá đúp. Chỉ cầu mong sao đừng bịch giữa đường. Mỗi lần ba phải dừng xe loay hoay sửa nó thương ba đứt ruột, vừa mong ba đừng chở nó đi nữa mà hãy quay về, vì nó không muốn học may.
Nó tốt nghiệp lớp 9. Vì gia đình nó nghèo khó, ba mẹ đã năn nỉ nó ở nhà đừng học lên cấp 3 nữa. Sau nhiều ngày đêm vật vả, khóc lóc, thương ba mẹ nên nó gật đầu đồng ý. Từ đây nó ngậm ngùi chia tay thời áo trắng. Một đứa học sinh giỏi xuất sắc của trường nó đành gác lại mọi ước mơ, trở thanh người nông dân thực thụ, trong sự đau khổ âm thầm.
Mỗi chiều đang làm đồng, nhìn thấy bạn bè trong thôn đi học về, nó vội cúi đầu xuống đám ruộng nước mắt rơi lã chã cố ghìm tiếng nấc.
Ba nhìn nó xót xa. Nó biết ba đau lòng lắm.
Ba lặng lẽ ra thị trấn huyện hỏi cho nó học nghề may. Người thợ may nổi tiếng bấy giờ là chị Thu đồng ý nhận nó vào học. Ba vui lắm và về thông báo cho nó. Nó nhìn ba không nỡ để lộ nỗi buồn của mình, vì thật sự nó không thích và không có năng khiếu.
Hè năm 1986 sau khi nó ở nhà làm nông tròn một năm học, khi mà mọi người chuẩn bị cho kì thi vào lớp 10, ba chở nó ra nhà may Thu học nghề.
Ba thấy vui vì không nỡ để con làm nông thiệt thòi bao nhiêu, thì nó buồn bấy nhiêu. Nó ngồi sau ba ga xe mà mọi thứ đang quay ngược như cuốn phim trong đầu nó. Chỉ còn khoảng 1 km nữa đến nhà chị thợ may, nó bỗng oà khóc nấc
– Sao vậy con, đi học may cũng được mà!
Ba nói như năn nỉ nó. Chỉ chờ có vậy nó đã nức nở:
– Con không muốn học may đâu, con học không được.
Ba dừng xe lại, nó nhảy khỏi ba – ga xe. Ba nhìn nó, một nỗi đấu tranh đang hiển hiện lên gương mặt khắc khổ.
rồi bỗng nhiên ba quay đầu xe lại:
– Thôi đi về con, tao có đi ở đợ cũng phải cho mày đi học.
Nó không dám tin vào tai mình, mừng quá nín khóc, quệt nước mắt lên xe. Hai ba con quay về.
Nó vui mừng quên mất nõi niềm của ba. Từ đây ba nó oằn thêm gánh nặng trên vai.
Nó tự ôn bài và thi đậu vào lớp 10 trường THPT của huyện. Khỏi phải nói những cơ cực mà ba mẹ gồng gánh nuôi nó và các em ăn học. Ba mẹ không từ việc cơ cực nào để mưu sinh nuôi 7 đứa con và bà nội đã già yếu.
Những ngày rảnh việc nông, ba và mẹ nó lặn lội lên những xã miền núi mua từng giỏ củ mì gòn, thúng trâm, ổi… đem chợ thị trấn bán lại nuôi con. Ba bán mặt cho đất, bán lưng cho trời dưới ruộng, trên rẫy bất kể nắng mưa. Ba đi đốt than, làm mướn, đan rổ rá cho bà con đổi lấy công làm, ba cắt tóc cho mấy chú bác hàng xóm, ba tự nghĩ cách làm khuôn ép dầu đậu phộng cho bà con, ba đắp lò tráng bánh. Ba cơ cực làm lụng mà không hề nghĩ đến thân mình. Trời thương ba nó ít đau ốm lắm. Anh chị nó thương ba nên đã chấp nhận ở nhà cùng ba lao động để nuôi em trước đó.
Nó trở thành đứa con được ăn học đến nơi đến chốn nhất nhà và nó trở thành cô giáo năm 1992. Ngày nó ra trường ba vui mừng lắm. Niềm hân hoan rạng ngời trên gương mặt của ba. Nó rưng rưng oà khóc. Nó ngồi bên ba nó và cả nhà đang mân mê tấm bằng tốt nghiệp cùng quyết định phân công công tác của nó mà ngỡ như đang mơ vậy.
Khi chiều nó vừa được nhận quyết định phân công nó dạy tại trường xã nhà – ngôi trường mà trước đây ba chở nó ngày đầu vào lớp một. Nó nhìn vào mái tóc đã pha sương của ba mà trong lòng trào dâng bao cảm xúc. Nó khóc cho thoả thích. Nó chỉ muốn nói là ba ơi con biết ơn ba và cả nhà nhiều lắm!
Ngoài sân trăng tròn lơ lửng trên ngọn tre, chiếc xe đạp cà tàng ba dựng sát vào gốc ổi. Nó nhớ dáng ba trong buổi chiều năm ấy. Nó nhớ vòng quay xe đạp và câu nói của ba: ” thôi về con, tao có đi ở đợ cũng cho mày đi học”.
Nó nhớ cái khoảnh khắc ba nói đi về đã cho cuộc đời nó sang trang khác. Nó nhớ những hy sinh, cam chịu của cả nhà để nó được gọi là cô giáo của hôm nay.
– Ba ơi! Tháng lương đầu tiên của con ba sửa lại chiếc xe đạp ba nhé. Nó cũ quá rồi.
Ba nó cười mà giọt nước mắt lăn trên gò má.
– Ôi! Ba của con – người đàn ông vĩ đại nhất trong cuộc đời con! Nó nói thầm trong lòng như vậy.
Vầng trăng quê tròn vành vạnh như tình thâm của gia đình nó hôm nay.
Lệ Thủy
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Con hẻm – Tản văn Lưu Giang
Giấc mơ trưa – Thơ Lê Thịnh (Nha Trang)
Biển và em – Thơ Phan Hồng Phong (Nghệ An)
Ta về – Thơ Lưu Giang
Hoài niệm – Thơ Lê Hoàng Phương
Chúc mừng sinh nhật chị gái An Khuyên – Thơ Cô Đỏ Quán
Chiếc xe đồ chơi bằng gỗ – Thơ Lê Thi (Đắk Lắk)
Phượng ơi – Thơ Lưu Giang