Vũ Trụ Tâm Linh Và Trường Thơ – Tác giả Nguyễn Thạnh

23/12/22 – 09:12

Nhà giáo – Nhà thơ Nguyễn Thạnh

Có phải chiếc áo của nhà sư…phạm quá mô phạm, quá chật, không cách nào chứa đựng nổi tính cách dị biệt của nhà thơ? Tâm hồn thi nhân lại cần tự do tuyệt đối, lãng mạn vô bờ và bay bổng giữa hiện thực sống động…

Tôi tin rằng “áo sẽ làm nên nhà thơ” khi Nguyễn Thạnh quyết chọn chiếc áo thơ để mặc suốt đời. Mượn chiếc áo thơ này ông “ Gói niềm tâm sự vịn tình yêu đi vào mênh mông”!

Có thể nói Nguyễn Thạnh đã nhập hồn nhập cốt vào thơ, hơn một lần lãng du cõi mộng ông hạ bút : “Cõi siêu mộng cần thơ như thánh kinh”!

Có lần tặng tôi tờ báo xuân văn nghệ, nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Thạnh viết lên trang bìa lời lưu bút đầy quyết đoán “ Thơ không bao giờ phản bội chúng ta nếu chúng ta thủy chung với nó”!  Nhà thơ Võ Tấn Cường gọi ông là “ Nguyễn Thạnh – kẻ cuồng mê thơ cuối cùng”.

Tính cách của Nguyễn Thạnh là như thế, cả quyết đến cực đoan, dễ làm người nghe hiểu lầm, thậm chí gây tranh luận nảy lửa. Vào cuộc trò chuyện thơ, ông nói say sưa, nói hết, nói thỏa mãn những điều đã gợi mở, kết quả là lần nào điện thoại cũng tút tút cắt ngang vì hết tiền! Ông rất hứng thú khi nói về thơ, lại hay đặt ra những vấn đề rất thú vị, đáng suy nghĩ  kiểu như “Nếu được mời đến thủ đô Paris đọc thơ, bạn sẽ đọc bài nào” ? Một câu hỏi bình thường làm ta giật mình. Rõ ràng khi làm thơ, ta chỉ nghĩ viết cho chính ta. Chính vì vậy mà người làm thơ đa phần chỉ chấp nhận cuộc chơi theo kiểu “nghiệp dư”! Có đa diện nhiều chiều, có sắc màu tư riêng nhưng chưa có nhiều tuyệt tác đỉnh cao!

Luôn luôn lúc nào cũng mang tâm thế thời đại, viết cho số đông, hòa đồng cùng nhân loại, mong tiếng nói cá nhân cộng hưởng với thế giới con người. Nhà thơ Nguyễn Thạnh gần như muốn xóa bỏ, muốn “đạp đổ” những rào cản tâm thức ngăn cách giữa con người với con người. Sống hữu ích, thơ cũng phải có ích. Khi Nguyễn Thạnh viết “ Chẻ một cây tăm cho đời cũng là làm việc thiện” tôi biết ông có thiên hướng đi xa hơn đến: “Trước trăng sao, anh dám chọc gậy vào lổ đen vũ trụ”. Con người nhỏ bé nhưng ước muốn khám phá vũ trụ tâm linh huyền diệu, nâng con người lên ngang hàng với vũ trụ trăng sao. Ý tưởng táo bạo này làm cho người đọc thích thú, muốn cùng ông hòa nhập, kiếm tìm một bản thể mới lạ của mình được ký thác qua ngôn ngữ thơ ca đầy quyền năng mầu nhiệm. Được thấy mình ở đâu đó nữa kia… ngoài cuộc đời vốn dĩ nhỏ bé này. Thậm chí ông còn muốn “Quy hoạch vũ trụ” theo ý tưởng của riêng mình. Nói thế để thấy rằng lúc nào Nguyễn Thạnh cũng khao khát bộc lộ cái phần tinh túy của mình trong thơ. Phải có – cái- gì đó của riêng mình, dù ít nhưng đậm chất, không pha lẫn người khác, kể cả trong đời sống cũng như trong sáng tạo. Cái “tôi” cá tính mãnh liệt đó chính là chất xúc tác cho ông thể hiện tầm vóc của một thi nhân.

Trong bài Thi sĩ ông viết:
Ngồi trên đỉnh núi một mình
Cái bóng che biển cái hình phủ sông
Cái đầu nhật thực che trăng
Linh hồn trùm cõi vũ không thiên màu.

Thi sĩ lúc này như thể đứng một trục dọc với trăng sao mà bầu bạn, mà che chắn, chống đỡ cả càn khôn!

Với niềm trăn trở suy tư đó Nguyễn Thạnh đặt ra mục tiêu: sứ mệnh của “Thi nhân vũ trụ” phải lập “vũ trụ giáo” bằng thuyết “vũ trụ kinh”. Ông hoài bão và ôm ấp ba cặp phạm trù này đến bạc tóc. Dù chỉ là ý tưởng manh nha, tôi không biết “dự án” của ông có khả thi, có “ lập thuyết” nổi hay không? Nhưng tôi hoan nghênh tinh thần sáng tạo của ông, dám nghĩ, ít ra cũng tự “lên giây cót” tinh thần cho chính mình. Tôi nhớ học giả Trần Bạch Đằng (1926 – 2007) từng luận giải rằng “ Cái trừu tượng là cái sản phẩm cấp cao”. Chỉ có não trạng cuồng mê mà sáng suốt mới có thể nghĩ ra. Não trạng của người có tỷ lệ phần trăm “arenalin” đột hứng sáng tạo cao hơn người khác. Mong sao mỗi nhà thơ đều có ý tưởng táo bạo khi sáng tạo, ít ra nó cũng góp phần “giữ lửa” cho ngòi bút, cho mình, khi đối diện thơ ca:

Đối diện với thơ là soi lại chính mình
Là soi lại bức tranh đời toàn cảnh
Là đi dọc đường chiêm bao đến bờ bản năng-vực thẳm
Con đường dài – mộng thực – con đường thơ…

……

Đối diện với thơ là đối diện với trái tim bên bìa vũ trụ
Là tự sự với tiểu hành tinh trong lồng ngực chúng ta
Trái tim ấy cũng đa chiều theo vòng quay thiên thạch
Mỗi con người bí mật như một tinh cầu xa…

                                               (Đối diện với thơ)

Điều kỳ lạ của vũ trụ này là không có một cá thể nào giống cá thể nào, dù có nhân đôi trong cùng một tế bào.“Tôi” vốn dĩ là một bản thể độc lập. “Tôi” không có một bản sao thứ hai nào khác ngoài tôi, “Vậy thì đừng hỏi vì sao tôi khác anh”. Nếu có tám tỷ người trên hành tinh sẽ có tám tỷ gương mặt và tính cách khác nhau. Chính điều này làm nên tính cách sinh học mạnh mẽ của nhà thơ, từ đó chi phối tinh thần sáng tạo của nhà thơ. Nếu một nhà thơ không xác lập được thể tính độc đáo cá biệt của mình trong thơ, anh ta chỉ là cái bóng mờ lẫn khuất.

Ảnh minh hoạ internet

Nguyễn Thạnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: